Kiểm soát chặt nguồn gốc gỗ đấu thầu cung ứng cho khu vực mua sắm công

Nếu để tiếp diễn tình trạng mua sắm, mời thầu, đấu thầu cung ứng đồ gỗ mà không có ràng buộc về tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ thì sẽ vi phạm những nội dung mà Việt Nam đã ký cam kết với EU.
Hội thảo sáng 20-6 về tình hình mua sắm, cung ứng đồ gỗ trong khu vực công.
Hội thảo sáng 20-6 về tình hình mua sắm, cung ứng đồ gỗ trong khu vực công.

Chia sẻ tại hội thảo về tính hợp pháp của sản phẩm gỗ trong mua sắm công ở Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng nay 20-6 ở Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập nói rằng, báo cáo khảo sát trong 3 năm qua sẽ "vén bức màn bí mật" về tình hình sử dụng, mua sắm đồ gỗ trong khu vực công tại Việt Nam. 

Giữa Việt Nam và EU đã ký cam kết VPA-FLEGT về việc đảm bảo gỗ có “lịch sử”, nguồn gốc hợp pháp thông qua Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (vừa bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-6 vừa qua).

Điều kiện đưa ra khi thực hiện cam kết này là không chỉ riêng gỗ xuất khẩu sang EU mà với cả gỗ tiêu thụ trong nước (tức tại thị trường nội địa Việt Nam) cũng phải đảm bảo có nguồn gốc hợp pháp, có hồ sơ “lý lịch” rõ ràng (trong đó chỉ cho phép khai thác từ gỗ rừng trồng, còn gỗ từ rừng tự nhiên được coi là bất hợp pháp).

Trong khi đó, theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại hội thảo sáng nay 20-6, ở Việt Nam, hiện nay nhà nước không chỉ đóng vai trò là cơ quan quản lý về lâm sản (gỗ) mà còn có vai trò là “khách hàng”, “người mua sắm” lớn, vì chiếm thị phần đáng kể, với hàng trăm ngàn đơn vị sử dụng vốn nhà nước để mua sắm sản phẩm gỗ thông qua hình thức mời thầu cung cấp sản phẩm đồ gỗ.

Qua điều tra 100 hồ sơ mời thầu cung ứng gỗ và sản phẩm từ gỗ được lọc từ hơn 13.000 gói thầu mua sắm hàng hóa của các đơn vị sử dụng vốn nhà nước trong 3 năm qua (từ 2016 đến 2018), kết quả cho thấy: 69% là đơn vị sự nghiệp, 15% là doanh nghiệp nhà nước, 11% là các cơ quan cấp tỉnh trở xuống...

Và trong hồ sơ mời thầu, các đơn vị rất quan tâm tới loại gỗ sử dụng, trong đó chủ yếu là yêu cầu gỗ tự nhiên. Thế nhưng, hiếm có đơn vị mời thầu nào đặt yêu cầu riêng về tính hợp pháp của gỗ ngoài các điều khoản bắt buộc theo pháp luật đấu thầu trong hồ sơ mời thầu, tức là chưa coi trọng tính hợp pháp về nguồn gốc của gỗ đấu thầu cung ứng.

Trả lời câu hỏi đồ gỗ nào được mua sắm nhiều, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, kết quả cho thấy, có 61/100 hồ sơ đưa ra yêu cầu mua sắm đồ gỗ trường học và 51/100 hồ sơ yêu cầu đồ gỗ văn phòng; 85/100 hồ sơ yêu cầu về gỗ tự nhiên, 52/100 hồ sơ yêu cầu gỗ công nghiệp.

Cụ thể về các loại gỗ thuộc nhóm I và II (gỗ quý hiếm) thì qua khảo sát cho thấy, những đơn vị như cục thuế tỉnh, nhà văn hóa lao động tỉnh, cục hải quan tỉnh, thậm chí cả trung tâm cứu hộ động vật hoang dã tỉnh… cũng có hồ sơ mời thầu yêu cầu cung ứng các loại sản phẩm như tủ trà, bàn ghế giám đốc, phó giám đốc, ghế hội trường, thậm chí bàn làm việc, tiếp khách của hiệu trưởng… bằng các loại như gỗ gụ, gỗ chò, gỗ nghiến…

Để thực hiện nghiêm túc cam kết về gỗ hợp pháp trong VPA – FLEGT (đối với cả gỗ tiêu thụ tại thị trường nội địa), bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, nếu có cơ chế để kiểm soát hoạt động mua bán, đầu thầu cung ứng đồ gỗ trong khu vực mua sắm công, khu vực “khách hàng nhà nước” thì ít nhất chúng ta đã kiểm soát được một tỷ lệ lớn thị trường đồ gỗ nội địa. Và giải pháp đưa ra là pháp luật về đấu thầu cần bổ sung thêm quy định bắt buộc về tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ (cụ thể ở đây là gỗ, đồ gỗ) khi tổ chức đấu thầu mua sắm công. Nếu để tiếp diễn tình trạng mua sắm, mời thầu, đấu thầu cung ứng đồ gỗ mà không có ràng buộc về tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ thì sẽ vi phạm những nội dung mà Việt Nam đã ký cam kết với EU. Đây cũng là cảnh báo cho các doanh nghiệp tham gia đấu thầu cung ứng gỗ, sản phẩm gỗ cho khu vực mua sắm công.

Cùng ngày 20-6, Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức cuộc gặp mặt với báo giới thông báo, mặc dù một số ngành, lĩnh vực sản xuất đang gặp khó khăn nhưng trong 6 tháng đầu năm 2019, “kinh tế lâm nghiệp” tiếp tục gặt hái mùa bội thu, với những kỳ tích ngoạn mục.

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục Trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu lâm sản trong 6 tháng qua tăng liên tục, ước đạt gần 5,3 tỷ USD (tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, xuất siêu ước đạt khoảng 4,03 tỷ USD. Việt Nam vẫn đang giữ vững vị trí đứng đầu Đông Nam Á, thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới về xuất khẩu lâm sản. 

Tin cùng chuyên mục