Kiểm soát chặt hàng đến cảng

Ngày 2-8, Bộ GTVT đã có cuộc họp bàn giải pháp xử lý phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại cảng biển. Hiện cả nước đang tồn đọng gần 6.000 container tại các cảng biển, tập trung chủ yếu tại các cảng TPHCM.  

Thiếu minh bạch thông tin cấp phép

Thống kê từ Cảng vụ Hàng hải cho biết, số lượng container tồn đọng lớn nhất do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn quản lý với 4.480 container, kế đến cảng Hải Phòng với 1.476 container đã gây ảnh hưởng rất lớn hoạt động lưu thông hàng hóa tại các cảng biển. Hàng hóa tồn đọng tại các cảng chủ yếu là phế liệu sắt thép, giấy, nhựa, nhôm, đồng, xỉ cát… 

Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, do từ cuối năm 2017, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành quy định dừng nhập khẩu phế liệu phục vụ tái chế gồm 8 loại phế liệu nhựa nguồn gốc sinh hoạt, 11 loại phế liệu dệt may, 4 loại phế liệu quặng và 1 loại phế liệu giấy.

Trong đó, có một số mã phế liệu nhựa và giấy trùng với danh mục phế liệu được phép nhập khẩu vào Việt Nam. Việc Trung Quốc cấm nhập khẩu phế liệu tái chế dẫn đến các nước trước đây vẫn xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu sang Trung Quốc (Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Canada,…) dịch chuyển thị trường nhập khẩu sang Việt Nam và các nước lân cận. 

Một nguyên nhân khác đến từ sự bất cập trong cách thức quản lý đã tạo kẽ hở để các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu trái phép. Bộ TN-MT là đơn vị cấp giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu sản xuất. Và tính đến tháng 5-2018, bộ đã cấp 139 giấy xác nhận cho các cơ sở đủ điều kiện được nhập khẩu phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất. Cấp 103 giấy xác nhận cho doanh nghiệp nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu. Tuy nhiên, danh sách các doanh nghiệp này không được Bộ TN-MT công khai trên Cổng Thông tin điện tử quốc gia.

Mặt khác, khâu cấp phép thực hiện rất thủ công theo kiểu doanh nghiệp tự đến Tổng cục Bảo vệ môi trường để xin cấp phép. Sau đó, Tổng cục Bảo vệ môi trường mới chuyển cho tổng cục và chi cục hải quan nên đã tạo kẽ hở để một số cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp giả mạo, tẩy xóa, sửa đổi các văn bản, giấy xác nhận để hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu phế liệu. 

Việc thiếu công khai danh mục hàng hóa và doanh nghiệp được phép nhập khẩu phế liệu khiến các hãng tàu không thể thẩm định thông tin chủ hàng đó có chức năng được nhập khẩu phế hiệu hay không. Đến khi hàng vận chuyển về đến cảng, nếu bị phát hiện là hàng phế liệu không được nhập khẩu thì không biết xử lý như thế nào do chủ đơn hàng đã “biến mất”.

Mặt khác, thủ tục hải quan cần thiết để có thể tái xuất lô hàng rất nhiêu khê, khó thực hiện được. Đó là chưa kể có muốn tái xuất cũng không được do bên đầu giao hàng từ chối tiếp nhận lại hàng... Thủ tục để giải quyết container tồn đọng cũng rất phức tạp. Trung bình mất hơn 300 ngày làm việc để thực hiện xác nhận quốc hữu hóa hàng tồn kho tại cảng.  

Kiên quyết tái xuất những lô hàng gây ô nhiễm

Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, để giảm áp lực container hàng tồn đọng, nhiều đơn vị đã ra thông báo ngưng tiếp nhận hàng phế liệu nhập khẩu. Đồng thời, di chuyển container hàng tồn đọng sang cảng khác còn sức chứa. Xem xét thanh lý, tái xuất hoặc tiêu hủy khoảng 2.500 container do tồn đọng quá 90 ngày.

Về lâu dài, Bộ TN-MT cần sớm công khai danh sách doanh nghiệp và danh mục, chỉ tiêu nhập khẩu hàng phế liệu. Đây sẽ là cơ sở để các hãng tàu, cảng biển xác định có nhận đơn hàng của doanh nghiệp đó hay không, tránh tình trạng nhận vận chuyển về đến Việt Nam không có người nhận hoặc các doanh nghiệp nhập lậu hàng phế liệu về Việt Nam, gây ùn ứ hàng tại các cảng. Mặt khác, việc cấp phép chỉ nên cấp cho doanh nghiệp có năng lực sản xuất, tái chế. Chỉ tiêu cấp phép cũng không được vượt quá công suất sản xuất của doanh nghiệp. 

Về thời gian lưu bãi tại các cảng nên giảm từ 90 ngày xuống còn 30 ngày, nếu không có doanh nghiệp đến nhận hàng thì cảng có quyền tái xuất, di dời container ra khỏi cảng, tiêu hủy hoặc thanh lý để tăng hiệu quả lưu thông hàng hóa tại các cảng. Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, đơn vị đã yêu cầu cơ quan chức năng liên quan đẩy mạnh kiểm tra tàu, thuyền vận chuyển hàng hóa nhập khẩu mặt hàng sắt, thép, nhựa, giấy đã sử dụng mã số hàng hóa khác với mã số hàng phế liệu thuộc danh mục được phép nhập khẩu. Chỉ cho dỡ lô hàng xuống cảng khi hãng tàu, đại lý hãng tàu hoặc chủ hàng xuất trình giấy phép nhập khẩu lô hàng được cơ quan có thẩm quyền cấp còn hiệu lực và văn bản cam kết thời gian nhận hàng cụ thể. Với những lô hàng đang tồn đọng quá 90 ngày thì rà soát phân loại xử lý. Riêng những lô hàng gây ô nhiễm môi trường thì kiên quyết tái xuất.

Tin cùng chuyên mục