Kiểm soát chặt đào tạo ngành y dược

Hiện cả nước có chưa tới 20 trường đại học (ĐH) công lập đào tạo khối ngành sức khỏe. Mùa tuyển sinh năm 2021, khối ngành này được nhiều trường đa ngành và ĐH tư thục mở khá nhiều. Điều này về nguyên lý thì đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhưng phần nào đó cũng gây nỗi lo, bởi ai cũng hiểu, việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y đặc biệt quan trọng, với sứ mệnh của ngành y là cứu người. Khi thực hiện tự chủ, các trường ĐH được quyền xác định ngưỡng đầu vào, nhưng với tính chất đặc biệt của nhóm ngành sư phạm và y dược, từ năm 2019, Bộ GD-ĐT quy định điểm sàn cho 2 nhóm ngành này. Như vậy có thể hiểu, chất lượng đào tạo ngành y dược không thể thả nổi.

Trong mọi thời kỳ, việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân luôn rất quan trọng, là nhiệm vụ trọng yếu. Hiện số lượng, tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng viên của Việt Nam còn thấp so với mức trung bình của thế giới. Ở nhiều địa phương, việc thiếu hụt đội ngũ y bác sĩ tại cơ sở y tế công lập đã dẫn đến nhiều hệ lụy, nhất là y tế cơ sở vùng khó khăn.

Các trường ĐH công lập nổi tiếng của Việt Nam hiện nay như: Y Hà Nội, Dược Hà Nội, Y Dược TPHCM, Y Dược - ĐH Thái Nguyên, Y Dược Huế… những năm qua đã đào tạo hàng vạn bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng viên. Thế nhưng, so với yêu cầu thì các trường công chưa thể đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh.

Với việc thực hiện tự chủ ĐH, việc Bộ GD-ĐT cho phép các trường mở khối ngành sức khỏe khi hồ sơ đủ điều kiện sẽ tạo ra sự cạnh tranh và nhiều cơ hội cho người học. Tuy nhiên, như đã nói, với tính đặc biệt của việc đào tạo nhân lực ngành y dược, xã hội có quyền lo lắng và yêu cầu việc mở ngành này phải đi đôi với việc tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, từ tuyển chọn đầu vào, giảng viên, cơ sở vật chất thực hành, cơ sở thực tập. Để bảo đảm được điều này, liên bộ Y tế, GD-ĐT phải phối hợp để làm thật kỹ việc thẩm định hồ sơ mở ngành cũng như làm chặt công tác hậu kiểm. Không thể để tình trạng các trường “mượn” tên giảng viên, khai khống hay trường không đạt chuẩn vẫn được phép đào tạo. Nói cách khác, cơ quan quản lý nhà nước cần dành một sự “quan tâm đặc biệt” đối với việc mở ngành đào tạo sức khỏe.

Chúng ta thực sự cần thêm nhiều cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe nhưng yêu cầu, tiêu chí phải vô cùng khắt khe, nghiêm túc. Đặc biệt, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân dân trong tình hình mới cũng đặt ra yêu cầu phải chuyển từ tư duy tập trung cho hệ y tế điều trị, chuyên sâu suốt mấy chục năm qua sang phát triển cân đối cùng hệ dự phòng, y tế cộng đồng. Do đó, các trường ĐH có đào tạo y dược phải trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu có uy tín về y tế dự phòng, y tế công cộng, đồng thời phải là nơi lan tỏa những giá trị tốt đẹp của các thầy thuốc tương lai.

Năm 2021, Bộ Y tế sẽ triển khai Đề án đào tạo nhân lực y tế vùng khó khăn (cho 28 tỉnh); Đề án tổng thể tăng cường năng lực cán bộ y tế cơ sở, mục tiêu đến năm 2025, đảm bảo cơ bản nhân lực cho vùng sâu, vùng xa và đến năm 2030 đảm bảo đủ nhân lực. Tuy nhu cầu nhân lực ngành y dược sắp tới là rất lớn, nhưng việc đào tạo phải đặt chất lượng lên hàng đầu, đúng như yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị y tế toàn quốc ngày 6-1 vừa qua. Đó là việc đào tạo bác sĩ, dược sĩ, y tá, hộ lý, điều dưỡng phải được kiểm soát chặt chẽ hơn, tất cả các cơ sở đào tạo không đủ điều kiện phải xem xét cho dừng đào tạo.

Tin cùng chuyên mục