Kiểm soát chặt chẽ quyền lực

Một trong những nội dung quan trọng được nêu trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đó là kiểm soát chặt chẽ quyền lực. 
Thực tế đang cho thấy, quyền lực đang có xu hướng tha hóa. Quyền lực càng tuyệt đối thì tha hóa càng tuyệt đối; quyền lực càng lớn thì sự tha hóa càng lớn. Chính vì thế, Trung ương ban hành Nghị quyết 07 lần này là một bước cụ thể hóa tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII về kiểm soát quyền lực, đó là “hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”. 
Để cụ thể hóa các quy định về kiểm soát chặt chẽ quyền lực, cần phải có thời gian và có nhiều quy định cụ thể. Nhưng trên hết, kiểm soát chặt chẽ quyền lực đối với các tổ chức Đảng bắt buộc phải tuân thủ và thực thi nghiêm minh Hiến pháp và pháp luật. Đảng ta là đảng cầm quyền và được hiến định trong Hiến pháp, nhưng đảng không phải Nhà nước và không có quyền lực của cơ quan Nhà nước. Vì vậy, uy tín của Đảng là ở việc Đảng ban hành và thực thi các chủ trương, đường lối đáp ứng nhu cầu và lợi ích chính đáng của nhân dân và xây dựng được đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức, toàn tâm, tận lực hoàn thành nhiệm vụ, nghĩa vụ được giao. Các tổ chức của Đảng và đảng viên đều bình đẳng trước pháp luật như tất cả các đối tượng chịu điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Như vậy, tổ chức Đảng và đảng viên, nhất là đảng viên có chức, có quyền, có bề dày cống hiến thì càng phải gương mẫu và không lầm tưởng cứ có quyền cao, chức trọng là xem như là thước đo ân giảm tội trạng khi vi phạm!
Để kiểm soát chặt chẽ quyền lực, Đảng phải chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Như vậy, nhân dân có thẩm quyền giám sát hoạt động của Đảng từ sự gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình, cho đến các hành vi vi phạm pháp luật của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đa phần các vụ việc tham nhũng, lãng phí liên quan đến các cán bộ có chức, có quyền bị phát hiện đều do nhân dân và báo chí phát hiện và tố giác. Cách đây 5 năm, Bộ Chính trị ban hành Quy định 217-QĐ/TW về quy chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, của các tổ chức chính trị - xã hội... Rất tiếc là quy định này trong thời gian dài không được thực thi đầy đủ, kiên trì và quyết liệt. Do vậy, các tổ chức Đảng cần tuyên truyền vận động nhân dân hiểu biết và biết sử dụng quyền lực của mình một cách hiệu quả, từ việc lựa chọn người đại diện cho mình đến tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và công tác giám sát, phản biện xã hội.
Kiểm soát chặt chẽ quyền lực ngay từ khâu quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Đối với các tổ chức Đảng cần công khai, minh bạch các quy trình công tác cán bộ, công khai, dân chủ và thi tuyển có cạnh tranh trong công tác cán bộ. Về lâu dài nên hướng tới cho phép cả những người không công tác ở đơn vị ấy nếu có hiểu biết và có đủ điều kiện vẫn được thi tuyển vào các vị trí lãnh đạo. Điểm mới của nghị quyết lần này là quy định việc trọng dụng cán bộ không kể người Việt Nam trong nước hay ngoài nước, không phân biệt người trong Đảng hay ngoài Đảng.
Ở TPHCM cũng có bước đột phá trước khi nghị quyết này ban hành khi bổ nhiệm một người ngoài Đảng giữ chức vụ tương đương giám đốc sở. Đó là những tín hiệu đáng mừng, nhưng kết quả còn khiêm tốn so với yêu cầu và thực lực. Về lâu dài, Trung ương và cấp tỉnh ban hành quy định cụ thể về vấn đề này nhằm thu hút họ tham gia các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện cho họ trở thành chủ thể giám sát, kiểm soát quyền lực trong tổ chức đó.
Kiểm soát chặt chẽ quyền lực từ bầu cử các đại biểu dân cử. Đảng có trách nhiệm lựa chọn đảng viên giới thiệu ra ứng cử, cho nhân dân bầu. Như vậy, một đại biểu được bầu vừa đáp ứng được sự tín nhiệm của nhân dân, vừa của Đảng. Khi ứng viên đó trúng cử, cả Đảng và người dân đều thực hiện sự giám sát của mình với các vị đại diện đó. Sau khi đã bầu, người dân còn dùng quyền giám sát và quyền bãi miễn để có thể không bầu lại trong nhiệm kỳ tới hoặc thu hồi lại quyền lực khi người đại diện không còn xứng đáng. Việc bầu cử phải thực sự dân chủ, tránh hình thức. Đảng cần coi trọng và giới thiệu những người mà người dân thấy xứng đáng nhất, đáng tin cậy nhất.
 Thực tế cũng đòi hỏi việc kiểm soát chặt chẽ quyền lực phải được thực thi ở cả cơ chế “tự kiểm soát” của Đảng thông qua sinh hoạt Đảng, thông qua tự phê bình và phê bình; qua công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật của Đảng để làm sao phải thật sự công khai, minh bạch, nghiêm minh và mang tính răn đe cao. Cần tránh và bỏ hẳn tình trạng “giơ cao, đánh khẽ”, vì đã có nhiều vụ việc tiêu cực gây bức xúc trong dư luận ở nhiều địa phương, đơn vị nhưng chỉ bị xử lý nội bộ bằng kiểm điểm “rút kinh nghiệm sâu sắc”…
Bác Hồ căn dặn: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Vậy nên, kiểm soát chặt chẽ quyền lực, chống chạy chức chạy quyền nhằm kiến tạo một đội ngũ cán bộ trong bối cảnh hiện nay là công việc vô cùng quan trọng và cấp bách.

Tin cùng chuyên mục