Kiểm soát “bom nổ chậm”

Hiện nay, trên địa bàn TPHCM có khoảng 1.000 cơ sở thuộc nhiều loại hình hoạt động không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) đã đưa vào sử dụng, trước khi Luật PCCC ra đời.
Kho hàng Bến Súc (cơ sở hoạt động trước Luật PCCC tại quận 4) bị nhấn chìm trong biển lửa năm 2017
Kho hàng Bến Súc (cơ sở hoạt động trước Luật PCCC tại quận 4) bị nhấn chìm trong biển lửa năm 2017

Diễn biến phức tạp

Nhóm đối tượng cơ sở này thực sự là một tác nhân lớn khiến tình hình đảm bảo an toàn PCCC của thành phố có nhiều diễn biến phức tạp thời gian qua. Các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC hoạt động được ví như những “quả bom nổ chậm” và nguy hiểm ở chỗ vẫn đang được thả nổi. Trước đây, do vướng về mặt pháp lý nên đối với nhóm cơ sở này lực lượng Cảnh sát PCCC chỉ có thể kiến nghị, hướng dẫn cơ sở thực hiện các quy định về an toàn PCCC, nhưng không thể xử phạt hay áp dụng các biện pháp chế tài mạnh mẽ, đủ sức răn đe để bắt buộc cơ sở phải thực hiện các giải pháp an toàn PCCC theo quy định hiện hành. Điều này đã vô tình tiếp tay cho những chủ cơ sở thiếu ý thức với công tác PCCC và những vụ cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản gần như là hệ quả tất yếu.

Trước yêu cầu của thực tiễn, được sự tham mưu quyết liệt, đầy trách nhiệm của Cảnh sát PCCC TPHCM (nay là Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an TPHCM) và quá trình tổng hợp nhiều ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, cùng các chuyên gia… đầu tháng 12-2017, HĐND TPHCM đã ban hành Nghị quyết số 23/2017/NQ-HĐND có phạm vi điều chỉnh đối với các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực. Điều này đồng nghĩa, sự nguy hiểm từ những “quả bom nổ chậm” trước đây sẽ được kiểm soát, quản lý chặt chẽ hơn. 

Khắc phục những lỗ hổng 

Theo phân tích của một cán bộ lãnh đạo Cảnh sát PCCC, nguyên tắc áp dụng được xem là quan trọng nhất của Nghị quyết số 23 là “tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh lâu dài, hạn chế việc gián đoạn kinh doanh, sản xuất của cơ sở. Đảm bảo thực hiện quản lý nhà nước về PCCC theo hướng ổn định, phát triển phù hợp với quy hoạch”. Trên cơ sở chỉ đạo này, các đơn vị công an quận, huyện đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 23 theo lộ trình được chia làm 3 giai đoạn. Trước tiên là tổng kiểm tra, khảo sát, thống kê, lập danh sách, phân loại đánh giá các cơ sở. Bước tiếp theo là hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện các giải pháp khắc phục đối với từng nội dung không đảm bảo an toàn PCCC, như: khoảng cách phòng cháy, chống cháy, giải pháp ngăn cháy; lối thoát nạn; giao thông phục vụ chữa cháy; hệ thống PCCC... Đối với các cơ sở không có khả năng thực hiện điều kiện an toàn PCCC thì sẽ tiến hành hướng dẫn, vận động cơ sở tự nguyện thay đổi tính chất sử dụng công trình. Bên cạnh đó là việc triển khai phương thức xử lý theo quy định pháp luật đối với các cơ sở không tổ chức thực hiện, thực hiện không đầy đủ, hoặc đã bị khiếu nại, khiếu kiện về điều kiện an toàn PCCC từ 2 lần trở lên mà vẫn không khắc phục.

Giai đoạn sau cùng là giao các cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền thực hiện tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC nếu chưa đáp ứng quy định tại Nghị quyết số 23, cũng như các cơ sở xen cài trong khu dân cư vi phạm các quy định an toàn PCCC mà chưa khắc phục, sửa chữa hoặc buộc phải di dời nhưng chưa thực hiện di dời.

Nghị quyết số 23 do HĐND TPHCM ban hành là chủ trương, chính sách hết sức đúng đắn của thành phố. Thế nhưng, sau hơn 1 năm văn bản này chính thức có hiệu lực, tính đến thời điểm hiện tại, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, việc triển khai thực hiện tại các địa phương chưa thực sự đồng bộ, dẫn đến nguy cơ chậm tiến độ chung và chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Với vai trò thành viên của đoàn giám sát HĐND TPHCM làm việc với một số đơn vị công an quận, huyện vào hạ tuần tháng 4-2019 vừa qua, Thượng tá Đỗ Văn Kháng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an TPHCM), cho rằng để đưa Nghị quyết 23 đi vào cuộc sống, yêu cầu tiên quyết là các cơ quan chức năng địa phương, nhất là lực lượng công an phải tiếp xúc, trao đổi và tuyên truyền để các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu cơ sở hiểu rõ và hiểu đúng về tinh thần chung nhất của nghị quyết này, chứ không phải là gây khó dễ, xóa bỏ... tất cả cơ sở thuộc phạm vi điều chỉnh, mà chính là giúp họ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục các thiếu sót về PCCC trong khả năng có thể và phù hợp thực tế, pháp luật hiện hành để cơ sở của họ được tồn tại trong điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC. “Khi người dân tiếp cận đầy đủ và thông suốt vấn đề này rồi thì sự đồng thuận sẽ rất cao. Các cơ quan chức năng đã và đang nỗ lực thực hiện những nội dung, phần việc có liên quan trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình. Phần còn lại là quyết định của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu cơ sở thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết số 23. Nếu muốn tiếp tục tồn tại để phát triển ổn định lâu dài thì các cơ sở này phải thay đổi, khắc phục những “lỗ hổng” về PCCC đảm bảo tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và phù hợp với thực tế cơ sở... Hướng đến mục đích cao nhất sau cùng là sự an toàn cho chính mình và cả cộng đồng”, Thượng tá Đỗ Văn Kháng nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục