Kịch Lưu Quang Vũ - Sánh bước cùng thời đại

Trong chuyến Nam tiến được tổ chức hoạt động kỷ niệm 40 năm thành lập, Nhà hát Tuổi Trẻ đã đem 3 vở kịch, trong đó 2 vở của tác giả Lưu Quang Vũ gồm: Ai là thủ phạm (đạo diễn NSƯT Lê Chí Trung), Hoa cúc xanh trên đầm lầy (đạo diễn Nguyễn Sĩ Tiến) để phục vụ khán giả TPHCM và tham gia Liên hoan Sân khấu Kịch toàn quốc 2018…
Các diễn viên của Nhà hát Tuổi Trẻ trong vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy
Các diễn viên của Nhà hát Tuổi Trẻ trong vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy

Đậm chất thời sự

Là vở kịch diễn sau cùng tại Liên hoan Sân khấu Kịch toàn quốc 2018, Hoa cúc xanh trên đầm lầy đã tạo được điểm nhấn nổi bật bằng nội dung đậm chất nhân văn, gần gũi đời sống hiện đại. Tất nhiên, làm nên sự thành công của vở diễn còn nhờ ở sự duyên dáng trong diễn xuất của các diễn viên Nhà hát Tuổi Trẻ.

Câu chuyện kịch xoay quanh cuộc tình tay ba giữa Hoàng - Liên và Vân - những người bạn thân với nhau từ thuở ấu thơ. Họ có chung nhiều kỷ niệm đẹp, đặc biệt là về bông cúc xanh ở khu đầm lầy. Lớn lên, mỗi người một ngã rẽ, Hoàng trở thành kỹ sư, Vân là họa sĩ, Liên theo đuổi ước mơ làm cô giáo. Một ngày, Vân và Liên báo tin với Hoàng là họ sẽ làm đám cưới. Hoàng đau đớn vì anh đã thầm yêu Liên. Từ chỗ đau khổ, Hoàng thù hằn và nảy sinh khát khao chiếm đoạt. Hoàng dùng kiến thức của mình để chế tạo 2 người máy bản sao của Vân và Liên. Hai người máy vô cùng hoàn mỹ, chỉ chứa những phẩm chất tốt đẹp nhất. Nhưng từ đây, cuộc sống của Hoàng và 2 người bạn thân gặp nhiều rắc rối. Liên nhân bản không yêu Hoàng, mà hướng về Vân nhân bản vì tìm được sự đồng cảm.

Cả hai đã cùng nhau bỏ trốn. Họ tìm đến gia đình Vân - Liên thật để mong hiểu thêm ý nghĩa của cuộc sống con người. Tại đây, 2 người máy chứng kiến đôi bạn trẻ người thật có một cuộc sống quá nhiều sóng gió. Những lo toan, ham muốn, tham vọng đã cuốn cặp đôi thật ngày một xa dần những giá trị tốt đẹp mà họ từng có. Sự thật khiến đôi tình nhân người máy cảm thấy hụt hẫng. Họ quyết tâm trở về với vùng quê nghèo năm xưa để mong tìm lại những bông cúc xanh của một thời kỷ niệm. đó là phần ký ức thuần khiết, là hạnh phúc giản đơn với bao khát vọng và ước mơ đong đầy sức sống, tình yêu, sự chân thành…

Câu chuyện kịch với những vấn đề đặt ra khiến người xem phải lắng lòng. Đâu là hạnh phúc đích thực khi con người hôm nay sống phụ thuộc quá nhiều vào máy móc hiện đại. Phải chăng cuộc sống kim tiền với bao nỗi lo đã khiến đời sống tinh thần con người trở nên căng thẳng, mệt mỏi, trống rỗng, khiến người ta phải toan tính, lọc lừa nhau…

Dù là tác phẩm ra đời cách đây hơn 30 năm, nhưng yếu tố đương đại luôn hiện diện rõ nét trong Hoa cúc xanh trên đầm lầy. Trong tác phẩm còn xuất hiện hình ảnh anh công chức mệt mỏi, căng thẳng với 1 tuần 6 cuộc họp; tệ nạn chặt chém khách của anh xe ôm; nạn nhậu nhẹt bê tha của cánh mày râu; nạn bạo hành gia đình… Khán giả dễ dàng nhận thấy những vấn đề thời cuộc được phơi bày trong các tình tiết kịch.

Với Ai là thủ phạm, tác giả đã đặt ra cho xã hội một vấn đề nan giải. đó là hình ảnh lớp trẻ sinh ra, lớn lên được các bậc cha mẹ dạy dỗ bằng sự giả dối. Đây cũng là căn nguyên sâu xa khiến xã hội xuất hiện những hiện tượng tiêu cực, những cá nhân bị tha hóa, nạn tham nhũng, lọc lừa… Những thế hệ trẻ ấy, khi trưởng thành, có người lại được đảm nhiệm vị trí then chốt trong hệ thống quản lý nhà nước. Như thế, vận mệnh đất nước sẽ ra sao?

Dấu ấn Lưu Quang Vũ

Hoa cúc xanh trên đầm lầy được dàn dựng lần đầu vào năm 1980, do NSND Nguyễn Đình Nghi đảm nhiệm vai trò đạo diễn, dàn dựng cho Đoàn Kịch Hải Phòng. Đến cuối năm 2000, NSƯT Đỗ Kỷ dựng lại cho Nhà hát Kịch Việt Nam. Và cuối năm 2017, đạo diễn Nguyễn Sĩ Tiến dựng cho Nhà hát Tuổi Trẻ. Một tác phẩm với nhiều yếu tố khoa học giả tưởng, lạ lẫm với con người thời đại Lưu Quang Vũ. Thế nhưng, nội dung tác phẩm lại đi vào từng ngõ ngách tâm hồn con người ở bất cứ thời đại nào. Cố nghệ sĩ đã cảnh báo với người xem về những điều tuy tầm thường nhưng vẫn dễ làm xói mòn những giá trị đạo đức thiêng liêng trong mỗi người.

Lưu Quang Vũ được xem là kịch tác gia lớn của văn học Việt Nam những năm cuối của thế kỷ 20. Với hơn 50 vở kịch, ông trở thành người đi tiên phong, đặt nền móng cho nghệ thuật sân khấu dân tộc, đi sâu khai thác những vấn đề xã hội nóng bỏng, giàu tính hiện thực, nhân văn, chứa đựng những thông điệp mang tính dự báo giá trị thời cuộc. Khán giả còn nhắc mãi những Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Bệnh sĩ, Khoảnh khắc và vô tận, Ông không phải bố tôi, Tôi và chúng ta, Tin ở hoa hồng, Nàng Sita, Sống mãi tuổi 17… của ông.

Các tác phẩm của tác giả Lưu Quang Vũ thường gieo vào lòng người xem một niềm tin mãnh liệt về vẻ đẹp thuần khiết của tâm hồn, sự nhân hậu, tính nhân văn trong mỗi trái tim con người. Làm cách nào để khơi dậy vẻ đẹp tiềm ẩn ấy trong cuộc sống hôm nay. Từng cái kết của những câu chuyện kịch Lưu Quang Vũ sẽ lần lượt giải đáp.

Tin cùng chuyên mục