Kích hoạt hệ thống phòng dịch Covid-19 mức cao nhất

Số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng đang liên tục gia tăng tại nhiều tỉnh thành, gây áp lực lớn tới các bệnh viện, cơ sở điều trị. Do đó, việc tập trung các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, kiểm soát người ra - vào, rà soát quy trình khám chữa bệnh đang được các bệnh viện trong cả nước thắt chặt.
Người bệnh vào Bệnh viện Da liễu TPHCM phải bắt buộc đeo khẩu trang và được kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế ngay từ cổng. Ảnh: MINH NAM
Người bệnh vào Bệnh viện Da liễu TPHCM phải bắt buộc đeo khẩu trang và được kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế ngay từ cổng. Ảnh: MINH NAM

Không chủ quan, lơ là

Mặc dù chỉ là một bệnh viện (BV) chuyên khoa nhưng BV Ung bướu TPHCM cũng đã nhanh chóng kích hoạt các hoạt động chống dịch Covid-19 ở mức cao nhất. TS-BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc BV, nhấn mạnh: “Dịch Covid-19 đang lây lan nhanh trong cộng đồng nên chúng tôi không được phép lơ là, chủ quan. Hiện nay, các đơn vị của BV đã có phương án chống dịch, đặc biệt tại khu vực đón tiếp người bệnh, phòng khám, khu vực hiến máu. Theo đó, BV thực hiện nghiêm việc kiểm tra thân nhiệt sàng lọc và phân luồng đối với người bệnh, người hiến máu và khách đến giao dịch công việc; khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả đối tượng kể trên. Đồng thời, hạn chế tối đa người nhà bệnh nhân vào khu vực khám bệnh; tránh tụ tập đông người, thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn…”.

Theo PGS-TS Lê Đình Thanh, Giám đốc BV Thống Nhất (TPHCM), nhằm chủ động ngăn chặn dịch Covid-19 dịp Tết Nguyên đán, BV tổ chức khám sàng lọc phân luồng, kê khai y tế cho tất cả người vào BV. Khi xảy ra trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ, BV sẽ tổ chức xét nghiệm cho tất cả nhân viên BV, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. BV cũng đã chủ động xây dựng nhiều phương án vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa đảm bảo khám chữa bệnh để không bệnh nhân nào không được khám, không được điều trị.

Tại BV Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, do là BV chuyên khoa, không có chức năng điều trị bệnh nhân Covid-19, nên BV rất chú trọng khâu sàng lọc. Ngoài các bước bắt buộc trước khi vào BV như khai báo y tế, đo thân nhiệt thì BV bổ sung thêm vùng dịch tễ vào đường link khai báo y tế của BV, để sàng lọc triệt để đối với khai báo giấy. Nếu xảy ra trường hợp khai báo y tế có vấn đề thì nhân viên BV sẽ báo cáo ngay để đưa trường hợp này vào phòng khám sàng lọc. Riêng phòng sàng lọc dành cho bệnh nhân cấp cứu sẽ có lối đi riêng, tách biệt. Tất cả nhân viên y tế trực phải mặc đồ bảo hộ khám bệnh, nếu có trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 thì BV sẽ hội chẩn với BV Bệnh nhiệt đới, để có phương án giải quyết kịp thời, hiệu quả.

Trong khi đó, tại BV Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), ông Nguyễn Văn Thường, Giám đốc BV, cho biết, mỗi ngày BV tiếp nhận khoảng 2.000 lượt người đến khám và điều trị. Vì vậy, BV không chỉ chú trọng đến công tác khám sàng lọc, phân loại các trường hợp có triệu chứng của bệnh đường hô hấp, mà các bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Khoa Truyền nhiễm, Khoa Thận tiết niệu… nếu có dấu hiệu nghi ngờ sẽ được chỉ định lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Đồng thời, BV cũng củng cố lại hoạt động của 2 đội phản ứng nhanh, sẵn sàng ứng phó khi có ca nghi ngờ; tăng cường các chốt kiểm soát, bố trí nhân viên túc trực kiểm tra thân nhiệt, nhắc nhở đeo khẩu trang, sát khuẩn tay; điều tra dịch tễ tất cả người bệnh hoặc khách đến BV.

Siết chặt công tác sàng lọc

Theo TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, thời điểm hiện nay, nguy cơ lây lan dịch Covid-19 trong các cơ sở điều trị là rất cao. Các BV phải thực hiện nghiêm khâu sàng lọc, phân luồng, cách ly và cho xét nghiệm toàn bộ trường hợp nghi ngờ, nhất là khu vực điều trị bệnh nhân nặng. Đồng thời, các cơ sở y tế cả nước cần đánh giá lại công tác phòng dịch theo Bộ tiêu chí BV an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ tiêu chí phòng khám an toàn phòng, chống dịch Covid-19, các bệnh viêm đường hô hấp cấp… Tất cả quy trình đều phải thực hiện nghiêm túc, tuyệt đối không để người bệnh có dấu hiệu nghi ngờ tự ý di chuyển hay để “lọt” những người có nguy cơ vào BV.

Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28-1 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã có công điện khẩn yêu cầu: Giám đốc các cơ sở khám chữa bệnh khẩn trương, duy trì và siết chặt công tác sàng lọc, phân luồng người bệnh, khắc phục ngay các vấn đề tồn tại và tiếp tục rà soát, củng cố thực hiện thật nghiêm quy định về các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch. Triển khai quyết liệt các biện pháp để bảo vệ lực lượng tuyến đầu chống dịch là nhân viên y tế, tuyệt đối không để lây nhiễm. Cung cấp đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế. Rà soát lại máy thở và các trang thiết bị khác, cơ số thuốc, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch. Phối hợp với cơ quan Kiểm soát bệnh dịch các tỉnh (CDC) hoặc các BV có khả năng xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR để khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế. Chỉ định xét nghiệm sớm SARS-CoV-2 để phát hiện sớm và ngăn ngừa, cách ly triệt để, tuyệt đối không để dịch Covid-19 lây lan trong các BV.

Theo TS-BS Lê Hoàng Oanh, Giám đốc Trung tâm Truyền máu BV Chợ Rẫy, đáp ứng nhu cầu về máu tăng cao trong điều trị tại các BV vào dịp lễ tết, Trung tâm Truyền máu BV Chợ Rẫy, nơi cung cấp máu cho các BV thuộc các tỉnh thành Đông Nam bộ, đã lên kế hoạch kỹ từ tháng 12. Hiện tại, trung tâm đã tiếp nhận được 12.000 đơn vị máu, đã cấp về cho các BV tỉnh và hiện tại còn hơn 5.000 đơn vị máu. Dự kiến, đến trước khi nghỉ tết, trung tâm còn tiếp nhận khoảng 8.000 đơn vị máu.

Với kế hoạch này sẽ đảm bảo cung cấp đủ máu cấp cứu cho các tỉnh Đông Nam bộ và sử dụng tại BV Chợ Rẫy. Riêng BV Chợ Rẫy, mỗi dịp tết sử dụng khoảng 4.000 đơn vị máu, gấp 4 lần nhu cầu ở các BV tỉnh. Đáng mừng là năm nay, dù đối mặt với dịch bệnh nhưng không xảy ra tình trạng thiếu máu, kể cả các nhóm máu hiếm.

Tin cùng chuyên mục