Kích cầu tiêu dùng cho người dân thành phố

Sau hơn một tháng khởi động trở lại, đến thời điểm này, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ tại TPHCM đã đông khách so với hồi tháng 4-2020. Dù vậy, để kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ hơn, trong suốt tháng 6 và tháng 7-2020, các nhà bán lẻ và doanh nghiệp (DN) sản xuất sẽ luân phiên thực hiện nhiều hoạt động khuyến mại “khủng”, với mức tối đa lên tới 100%.
Chương trình khuyến mại năm 2019 của TPHCM thu hút đông đảo người tiêu dùng mua sắm
Chương trình khuyến mại năm 2019 của TPHCM thu hút đông đảo người tiêu dùng mua sắm

Tổng cầu cho thị trường hàng hóa

Theo Sở Công thương TPHCM, doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn trong 5 tháng đầu năm nay đạt 331.514 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Dù tốc độ tăng trưởng này còn chậm nhưng đã có xu hướng phục hồi hơn so với tháng 4 vừa qua. Sự tăng trưởng này đến từ các kênh bán lẻ hiện đại, qua việc tăng cường những chương trình khuyến mãi, kích cầu, cùng việc bán sản phẩm chất lượng, hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Để tiếp đà phục hồi này, Sở Công thương đã đề xuất với UBND TPHCM tổ chức “60 ngày vàng khuyến mại trên địa bàn thành phố” năm 2020 (kéo dài từ ngày 1-6 đến 30-7). Điểm mới của chương trình năm nay là DN tham gia có thể tổ chức nhiều hoạt động khuyến mại đa dạng, với hạn mức tối đa lên tới 100%. Để tổ chức triển khai, đại diện Sở Công thương cho biết đã họp với một số DN lớn, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn.  

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết đây là chương trình khuyến mại tập trung kéo dài mở đầu cho Tháng khuyến mại của năm 2020 - một sự kiện được tổ chức thường niên ở thành phố trong suốt nhiều năm nay. Theo ông Đông, dự kiến sẽ trở thành một trong những hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm, kịp thời của thành phố nhằm thúc đẩy kinh tế trước tình hình dịch vẫn còn diễn ra trên thế giới khiến hàng hóa của DN tồn đọng, người dân thắt chặt chi tiêu; đồng thời là hoạt động thiết thực thực hiện hiệu quả chương trình hành động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Theo đánh giá của nhiều DN, năm nay, ảnh hưởng dịch bệnh, hầu hết người dân đều khó khăn do giảm thu nhập nên chi tiêu giảm. Do đó, chương trình do Sở Công thương chủ trì, phát động được kỳ vọng tạo thêm trợ lực để thúc đẩy tổng cầu cho thị trường trong thời gian tới. 

Hiệu quả thiết thực

Trên thực tế, ở các năm trước, mỗi lần thực hiện chương trình Tháng khuyến mại, thành phố đều ghi nhận sự tham gia của hàng ngàn DN, hộ kinh doanh cá thể, với hàng chục ngàn chương trình khuyến mại, như giảm giá trực tiếp, mua 1 tặng 1, tặng kèm hàng hóa, tích điểm thưởng, rút thăm trúng thưởng, dùng thử sản phẩm dịch vụ… 

Đều đặn qua các năm, những “đại gia” bán lẻ trên địa bàn như Saigon Co.op, Big C, Thiên Hòa, Nguyễn Kim… đều tích cực tham gia và dành ngân sách lớn cho các chương trình này. Đơn cử, Saigon Co.op đã tổ chức “Tự hào hàng Việt” trong suốt nhiều năm, thông qua sự phối hợp cùng hàng trăm nhà cung cấp thực hiện giảm giá cho khách hàng. Năm 2019, chương trình đã được nhà bán lẻ này thực hiện suốt 3 tuần liên tục trên toàn bộ hệ thống Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile, Cheers…, với việc áp dụng giảm giá sâu cho hơn 30.000 sản phẩm hàng Việt. 

Sở Công thương cho biết, dù là chương trình giảm giá mạnh song chất lượng hàng hóa vẫn luôn phải được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, Sở Công thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường và UBND các quận huyện tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, thực hiện các biện pháp quản lý, bình ổn thị trường như giá cả, nguồn gốc, nhãn mác, số lượng, nhằm đảm bảo khuyến mại đúng quy định.

Theo đánh giá của người tiêu dùng thành phố, với các hoạt động khuyến mại đa dạng, họ đã được tiếp cận sản phẩm hàng Việt với giá tốt, chất lượng đảm bảo. Chị Nguyễn Thị Thúy (ngụ quận Tân Bình) chia sẻ, năm nào cũng vậy, khi các DN đồng loạt thực hiện khuyến mại, chị đều tìm mua được những sản phẩm phù hợp với nhu cầu và tiết kiệm được số tiền kha khá. Theo chị Thúy, năm nay, dù chi tiêu của gia đình chị có phần “eo hẹp” nhưng với chương trình kéo dài suốt 2 tháng, chắc chắn chị và gia đình sẽ mua sắm những sản phẩm mà trước đó không có điều kiện để mua.

Thống kê của Sở Công thương cho biết, đến nay, trên địa bàn TPHCM có 238 chợ, 230 siêu thị, 49 trung tâm thương mại và 2.669 cửa hàng tiện lợi. Tốc độ phát triển hạ tầng của các kênh phân phối bán lẻ đang có xu hướng đi vào ổn định; các hệ thống phân phối tập trung nguồn lực trong công tác dự trữ hàng hóa lương thực - thực phẩm thiết yếu cho nhu cầu người dân trên địa bàn thành phố. 

Tin cùng chuyên mục