Kích cầu du lịch: Khách nội là số 1

Chưa nhìn xa hơn về khả năng đón khách quốc tế thời điểm này, ngay cả khi có đề xuất mở lại một số đường bay thương mại, song nhiều chuyên gia cho rằng đây là một bước chuẩn bị cho du khách quốc tế trở lại.

Bước khởi đầu quan trọng

Ông Hoàng Nhân Chính, Tổng thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), cho biết khách du lịch quốc tế luôn chiếm một vị trí quan trọng đối với du lịch Việt. Việc đón khách quốc tế luôn là điều ngành du lịch mong chờ. Tuy nhiên theo xu hướng chung, đảm bảo sự an toàn, thận trọng khi mở cửa các đường bay quốc tế thì đây vẫn chưa phải thời điểm dành cho du khách.

Nhiều chuyên gia du lịch cũng cho rằng sẽ chưa có nhiều du khách nước ngoài quyết định đi du lịch trong thời điểm này nếu họ phải cách ly 14 ngày. Vì thế, để đón khách quốc tế chắc chắn cần thêm thời gian để có các giải pháp an toàn hơn trong kiểm soát dịch bệnh.

Kích cầu du lịch: Khách nội là số 1 ảnh 1 Khách tham quan tuyến bus đường sông TPHCM vào đầu tháng 7-2020. Ảnh: THI HỒNG
Một góc nhìn tích cực hơn, ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, khẳng định việc mở lại đường bay quốc tế có ý nghĩa rất lớn. Tuy đây không phải là khách du lịch thuần túy, song là bước đầu tiên để có bước thứ hai, thứ ba để đón du khách. Nếu ta thành công ở bước đầu này thì mới có cơ sở mở cửa tự do sau này - ông Nguyễn Công Hoan phân tích. Bên cạnh đó, nếu có 6 đường bay trong tuần với một số điểm đến trong khu vực thì đó cũng là nguồn khách ổn định cho ngành khách sạn sau một thời gian dài tê liệt bởi Covid-19.

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, cũng nhìn nhận, các đường bay quốc tế, nếu được kết nối trở lại thì thời gian để du khách quốc tế trở lại nhiều cũng phải mất cả năm. Cùng chung nhận định chưa thể có lượng khách du lịch quốc tế ngay trong thời gian các đường bay quốc tế mở lại, song Tổng cục Du lịch cũng đã có những bước chuẩn bị cho việc sẵn sàng đón khách trở lại.

 cuộc gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin về tình hình ứng phó với dịch, kinh nghiệm chuyển đổi hoạt động phù hợp với tình hình mới với các đối tác, cơ quan du lịch tại các thị trường trọng điểm đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Một số chuyên trang du lịch giới thiệu điểm đến dành riêng cho người nước ngoài được xây dựng. 

Hướng đến khách ngoại tỉnh

Đã có nhiều động thái để chuẩn bị đón du khách quốc tế nhưng Tổng cục Du lịch vẫn xác định trọng tâm chính được ngành du lịch hướng tới tại thời điểm này là thị trường nội địa.

Cùng nhận định, nhiều địa phương đã tập trung toàn lực để thu hút khách nội địa. Khánh Hòa, một trong những địa phương đón nhiều khách đến từ thị trường Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc... giờ cũng tập trung để phục hồi du lịch với ưu tiên số 1 là khách nội địa. Theo lãnh đạo ngành du lịch, từ tháng 10-2020, tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục kích cầu theo chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam - Nha Trang biển gọi”. 

Cũng như Khánh Hòa, tỉnh Bình Thuận là địa phương có hàng loạt resort và khách sạn hạng sang cũng hướng tới kích cầu nội tỉnh với nhiều gói du lịch hấp dẫn nhằm thu hút du khách trong tỉnh đến tham quan, nghỉ dưỡng. 

Khẳng định việc “hâm nóng” lại các hoạt động của ngành du lịch sau “cú đấm bồi” của dịch Covid-19 lần thứ 2 là cần thiết, tuy nhiên, ông Hoàng Nhân Chính cho rằng để đạt được hiệu quả cần phải thay đổi cách thức, phương pháp kích cầu mới. Theo đề xuất của Hội đồng tư vấn du lịch, trước khi tung ra gói kích cầu nội địa mới tại thời điểm này, cần phải khảo sát hành vi cũng như mong muốn của khách du lịch để đưa ra các phương án kịp thời và có hiệu quả nhất.

Kích cầu du lịch: Khách nội là số 1 ảnh 2 Khách tham quan không gian gốm Bát Tràng tại TPHCM. Ảnh: THI HỒNG
“Kích cầu đại trà sẽ không còn phù hợp bởi mùa cao điểm du lịch nội địa đã kết thúc khi trẻ em quay lại trường học, thêm nữa tâm lý của du khách cũng sẽ có thay đổi sau cú sốc Covid-19 bùng phát đợt 2” - ông Hoàng Nhân Chính nhận định. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở kích cầu du lịch nội tỉnh, chưa chắc đã là giải pháp tốt bởi tâm lý chung của du khách là tìm hiểu cái mới, nơi chưa đến.

Nếu khách nội tỉnh thì chủ yếu đến chơi, tham quan rồi về, trong khi đó khách qua đêm là rất cần thiết. Khách từ ngoài tỉnh đến mới ở dài ngày và chi tiêu nhiều. Điều này mới có thể cứu được du lịch ở các tỉnh.

Theo nhận định của Hội đồng tư vấn du lịch, hiện có hai thị trường nguồn lớn nhất là TPHCM và Hà Nội. Du khách ở hai thành phố này chiếm đến khoảng 60%-70% lượng khách đi du lịch nội địa. Kết quả khảo sát sơ bộ ban đầu tìm hiểu về tâm lý và hành vi của du khách trong thời điểm này cho thấy một số dấu hiệu đáng mừng như phần lớn khách du lịch được hỏi đã mong muốn đi du lịch dài hơn so với khảo sát sau đợt Covid-19 đầu tiên.

Có 60%-70% người được hỏi đã sẵn sàng đi du lịch bằng đường hàng không và đặc biệt, nhiều khách từ Hà Nội và TPHCM sẵn sàng du lịch trong năm nay, tức là 3 tháng tới. Đó là xu hướng cho thấy khách Việt Nam đã bớt sợ sau bùng phát Covid-19 lần hai và du lịch có nhiều cơ hội khởi sắc - ông Chính phân tích.

Thông tin từ doanh nghiệp du lịch cũng cho thấy xu hướng này. Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ - Lữ hành Saigontourist, cho biết, hiện đã có nhiều đoàn khách nội địa đặt lịch cho các chuyến du lịch trong tháng 10 này.

Liên quan tới các kịch bản về kích cầu du lịch nội địa trong thời điểm tới, lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho hay mọi kế hoạch đang được bàn thảo. Nhiều khả năng đối tượng kích cầu sẽ không chỉ gói gọn trong quy mô “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” mà mở rộng tới khách hàng là người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam và từ hơn 5.000 khách quốc tế mỗi tuần đến Việt Nam khi các đường bay quốc tế được nối lại. Bên cạnh việc mở rộng đối tượng đi du lịch, nhiều sản phẩm, cách làm mới đang được nghiên cứu để đưa vào kịch bản kích cầu lần này và các doanh nghiệp du lịch đang đón đợi cú hích mới.

Tin cùng chuyên mục