Khuyến khích các địa phương tự nguyện sắp xếp lại đơn vị hành chính

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, theo quy định của Nghị quyết 653, những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định, thì sẽ đưa vào diện sắp xếp thời gian tới.
Sáng ngày 26-3, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết số 37-NQ/TƯ ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và xã, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Kế hoạch thực hiện sắp xếp và mẫu hồ sơ đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.
Khuyến khích các địa phương tự nguyện sắp xếp lại đơn vị hành chính ảnh 1 Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: GIA KHÁNH
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng các địa phương nên nêu lên những thực trạng, giải pháp, đồng thời đã bày tỏ những vướng mắc, khó khăn khi thực hiện chủ trương này. 
Khẳng định lại quan điểm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, theo quy định của Nghị quyết 653, những đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định, thì sẽ đưa vào diện sắp xếp thời gian tới.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng đề nghị các địa phương thực hiện đúng quy định của Nghị quyết 653, không được để lại, hoặc chưa sắp xếp những đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc diện phải sắp xếp như trên (trừ trường hợp đặc thù được quy định riêng trong Nghị quyết).

Để có thêm cơ sở trong việc rà soát các đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp, ông Tân đề nghị Bộ TN-MT; Tổng cục Thống kê cung cấp cho các địa phương thêm thông tin về số liệu diện tích tự nhiên, quy mô dân số các đơn vị hành chính để có cơ sở thực hiện (việc này có thể làm sớm trong tháng 4, không chờ Chính phủ phê duyệt kế hoạch).

Trong quá trình sắp xếp, đảm bảo nguyên tắc các đơn vị hành chính mới phải đủ về diện tích tự nhiên và quy mô dân số (trừ trường hợp có 2 đơn vị hành chính sáp nhập mà bị chia cắt về địa lý thì không phải sáp nhập).

Liên quan tới quá trình sắp xếp, các địa phương cũng cần thận trọng cân nhắc các yếu tố: truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, điều kiện địa lý, cộng đồng dân cư để yêu cầu đảm bảo sắp xếp ổn định để phát triển, không phải sắp xếp bằng bất cứ giá nào.

“Đề nghị Sở Nội vụ các tỉnh giúp UBND tỉnh xây dựng phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021 để tỉnh ủy thông qua. Chúng ta cố gắng phấn đấu hoàn thành việc sắp xếp cấp xã, huyện trong năm 2019. Việc này, UBND tỉnh cũng phải có hướng dẫn với cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã xây dựng phương án sắp xếp, có kế hoạch tổ chức lấy ý kiến cử tri”, ông Tân đề nghị.

Việc lấy ý kiến cử tri ở đây được hiểu là ý kiến đại diện cho 1 hộ gia đình. Việc sắp xếp này cũng phải bám sát vào lộ trình sắp xếp bộ máy cấp ủy và chính quyền trong việc đại hội bầu cử các cấp nhiệm kỳ tới. Đặc biệt, trong quá trình sắp xếp chú trọng việc chuyển đổi giấy tờ và ổn định cuộc sống cho người dân. Cụ thể, giấy chứng minh nhân dân hết hạn mới đổi, mọi chi phí để chuyển đổi giấy tờ cho người dân phải được tạo điều kiện tốt nhất.

Tin cùng chuyên mục