Khủng bố - Mối đe dọa lớn nhất của châu Âu

Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra nhiều hệ lụy. Một trong những mối nguy hại nhất là các phần tử cực đoan bạo lực đang lợi dụng đại dịch hòng gây phân cực xã hội, gieo rắc tư tưởng thù hận và khoét sâu thêm sự ngờ vực đối với các cơ quan công quyền ở châu Âu. 
Cảnh sát tăng cường trên đường phố Paris sau vụ tấn công khủng bố hồi tháng 10-2020
Cảnh sát tăng cường trên đường phố Paris sau vụ tấn công khủng bố hồi tháng 10-2020

Trong báo cáo “Xu hướng và Tình hình khủng bố” vừa công bố, Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) cảnh báo, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu đầu năm 2020, các cuộc khẩu chiến giữa những chính trị gia không cùng đảng phái đã gia tăng đáng kể, trong khi số lượng các cá nhân có hành vi bạo lực thể chất hoặc tinh thần cũng tăng. Trong năm 2020, lục địa già ghi nhận tổng cộng 57 vụ tấn công khủng bố hoặc âm mưu khủng bố khiến 21 người thiệt mạng. 

Euronews dẫn báo cáo dài 109 trang của Europol cho rằng, những kẻ cực đoan và khủng bố đã tìm thấy cơ hội truyền bá trực tuyến trong giai đoạn mà mọi người tăng thời gian online. Đại dịch có thể là “yếu tố căng thẳng bổ sung” được chúng lợi dụng để lôi kéo những người dễ bị tổn thương chuyển sang bạo lực. Các chủ đề ban đầu như chống khủng bố, chống chủ nghĩa phát xít, chống phân biệt chủng tộc và sự áp bức dần biến tướng, bị “tích hợp” thêm những chủ đề mới gieo rắc sự hoài nghi về sự phát triển công nghệ và khoa học hiện đại, các biện pháp ngăn chặn Covid-19 và vấn đề môi trường. Europol đặc biệt quan ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan cánh hữu với minh chứng cụ thể là âm mưu tấn công ở Bỉ nhằm phản đối các biện pháp phòng dịch Covid-19 của chính phủ hay vụ một công dân Czech đe dọa lao xe vào đám đông nếu chính phủ không cho mở lại nhà hàng, quán bar. Các nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và al-Qaeda đã khai thác các sự kiện khác nhau để khuếch đại tuyên truyền về vấn đề phân biệt đối xử trong các xã hội phương Tây, tự coi mình là giải pháp thay thế bảo vệ quyền của những người bị áp bức, chiêu mộ thêm lực lượng mới và truyền cảm hứng cho các cuộc tấn công. Trong tổng số 10 vụ tấn công thánh chiến xảy ra tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vào năm ngoái (3 vụ xảy ra ở Anh và 2 vụ tấn công khả nghi ở Thụy Sĩ) chủ yếu do “những con sói đơn độc” thực hiện, lấy cảm hứng từ al-Qaeda và IS. 

Các nước EU đánh giá “khủng bố thánh chiến vẫn là mối đe dọa lớn nhất” trong khối. Europol cũng đặc biệt lưu ý vấn đề độ tuổi ngày càng trẻ hóa của các nghi phạm thuộc các nhóm cực đoan, nhấn mạnh rằng nhiều đối tượng bị bắt khi vẫn còn là trẻ vị thành niên.

Ngày 24-6, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU nhóm họp hội nghị thượng đỉnh tại thủ đô Brussels để thảo luận về các diễn biến và giải pháp xoay quanh dịch Covid-19 như phục hồi kinh tế, di cư và quan hệ đối ngoại. Vào ngày 25-6, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về những thách thức kinh tế đối với khu vực đồng EUR do hậu quả của cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng như những tiến bộ đã đạt được về Liên minh Ngân hàng và Liên minh Thị trường vốn.

Tin cùng chuyên mục