Khu vực tiên phong

Thư ký Điều hành của Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) Robert Floyd cho biết, với việc Dominica phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), Mỹ Latinh và Caribe đã trở thành khu vực thứ 2 trên thế giới không có vũ khí hạt nhân, “thể hiện vai trò gương mẫu của khu vực trong việc không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân”.
Mỹ tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân hồi năm 1952. Nguồn: news.un.org
Mỹ tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân hồi năm 1952. Nguồn: news.un.org

Thỏa thuận này nghiêm cấm việc thử nghiệm, chế tạo, sản xuất, lưu trữ hoặc mua lại vũ khí hạt nhân trong toàn khu vực và đảm bảo việc sử dụng năng lượng nguyên tử chỉ dành riêng cho các mục đích hòa bình, như ứng dụng trong lĩnh vực y tế thông qua sản xuất vaccine, sử dụng đồng vị phóng xạ và phân tích hạt phóng xạ.

Trong khi đó, CTBT tích hợp một loạt hiệp định ủng hộ việc loại bỏ vũ khí hạt nhân cùng Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) và Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW). CTBT được ký kết lần đầu vào ngày 10-9-1996 với sự tham gia của 71 quốc gia. Tháng 1-2007, sau khi Moldova tham gia, châu Âu trở thành khu vực đầu tiên trên thế giới phê chuẩn CTBT. Tính đến thời điểm hiện tại, 173 quốc gia, trong đó có 33 nước Mỹ Latinh và Caribe, đã phê chuẩn CTBT. Tuy nhiên, CTBT phải được 44 quốc gia sở hữu công nghệ hạt nhân phê chuẩn trước khi có hiệu lực.

Ngược dòng lịch sử, ngay trước khi CTBT ra đời, với việc ký kết Hiệp ước Tlatelolco tại Mexico vào ngày 14-2-1967, Mỹ Latinh và Caribe đã đặt tiền đề để trở thành khu vực đầu tiên trên thế giới không có sự hiện diện chính thức của vũ khí hạt nhân. Quyền Ngoại trưởng Costa Rica Christian Guillermet cho rằng, việc Dominica gửi văn kiện phê chuẩn CTBT là bước đi tái khẳng định cam kết của khu vực trong việc thúc đẩy các nỗ lực chính trị suốt 55 năm qua. Để CTBT có hiệu lực càng sớm càng tốt, Bộ Ngoại giao Costa Rica kêu gọi 8 cường quốc hạt nhân chính trong Phụ lục II (Trung Quốc, Israel, Mỹ, Ai Cập, Iran, Triều Tiên, Ấn Độ và Pakistan) ký hoặc phê chuẩn CTBT.

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc  Antonio Guterres cũng kêu gọi các quốc gia, nhất là quốc gia có vũ khí hạt nhân, ngay lập tức phê chuẩn CTBT. Ông Guterres cho rằng các vụ thử hạt nhân đã gây ra thiệt hại to lớn cho con người và môi trường, phải mất nhiều thập niên, thậm chí cả thế kỷ, mới có thể phục hồi.

Tin cùng chuyên mục