Khu vực công đi đầu

Chỉ tính trong 2 tháng trở lại đây, rất nhiều phong trào kêu gọi cộng đồng giảm thiểu rác thải nhựa đã được thực hiện rộng khắp cả nước. Tuy nhiên, để các hoạt động trên không rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi”, rất cần sự chuyển đổi sang các hành động thiết thực và đồng bộ hơn từ phía cơ quan chức năng. 

Đơn cử, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có chỉ đạo không thực hiện chi ngân sách cho các hạng mục mua túi ni lông không phân hủy hoặc sản phẩm sử dụng một lần mà không có khả năng tái chế, tái sử dụng… Tại tỉnh Quảng Ngãi, các cơ quan chức năng sẽ thực hiện phòng họp không sử dụng chai nước nhựa.

Hay như TPHCM, UBND TP đã yêu cầu các cơ quan chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành thuế bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp (DN), các tổ chức, hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất túi ni lông khó phân hủy, túi ni lông tự phân hủy sinh học và túi ni lông thân thiện với môi trường. Song song đó, xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích việc kinh doanh, sử dụng các loại túi, phương tiện đựng hàng thân thiện môi trường thay thế túi ni lông khó phân hủy…

Những động thái từ chính quyền các tỉnh thành trong việc giảm thiểu rác thải nhựa như vậy là rất kịp thời, nhưng để duy trì ổn định và dài hơi, tiến tới tạo thành thói quen sống thân thiện với môi trường trong xã hội, cần thiết phải được quy định cụ thể và triển khai đồng nhất từ Trung ương đến địa phương. 

Theo các chuyên gia môi trường, trước hết phải áp dụng với các hoạt động mua sắm công. Cần có sự thống nhất từ Trung ương đến địa phương cho việc thực hiện mua sắm công là các sản phẩm thân thiện với môi trường thay cho những sản phẩm không có khả năng tái chế, hoặc không thân thiện môi trường.

Đây cũng được xem là nền tảng niềm tin để khuyến khích người dân thực hiện ưu tiên mua sắm sản phẩm này. Kế đến, cần có chính sách hỗ trợ vốn đầu tư và những ưu đãi về thuế, đất… với những DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, xử lý, tái chế chất thải, hoặc chuyển đổi sản xuất theo hướng giảm thiểu chất thải phát sinh. 

Một vấn đề quan trọng không kém là phải thiết lập thị trường cạnh tranh công bằng theo hướng có lợi hơn với DN xanh và bất lợi hơn với DN đen. Để làm được điều đó, cách tốt nhất là minh bạch thông tin về DN, kết hợp thiết lập nhãn hiệu để tăng độ nhận diện giữa sản phẩm xanh với sản phẩm chưa thân thiện môi trường. 

Trên thực tế, việc tăng cường nhận diện sản phẩm xanh kết hợp với những chính sách ưu đãi trong tiêu dùng sản phẩm này đã được thực hiện khá phổ biến trên thế giới và được sự ủng hộ từ phía người tiêu dùng. Ngoài ra, khi người tiêu dùng thực thi quyền ưu tiên sử dụng sản phẩm xanh cũng có tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất của DN.

Tại Việt Nam, vấn đề này cũng đã được các chuyên gia, DN và người tiêu dùng đề cập từ lâu. Vấn đề còn lại là các cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện các bộ tiêu chí đánh giá DN và sản phẩm xanh, kết hợp chiến lược đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để thu hút và tạo sự đồng thuận trong cộng đồng, từ đó thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục