Khu du lịch “chui”

Một khu du lịch tự phát, không có giấy phép xây dựng, chưa đủ điều kiện để kinh doanh nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, lập chốt thu phí rất cao trên núi Vũng Chua (TP Quy Nhơn, Bình Định) trong nhiều năm. Khi báo chí phản ánh, chính quyền địa phương và các ngành chức năng lại lòng vòng trách nhiệm khiến dư luận bức xúc. 

Lần theo phản ánh, PV Báo SGGP ghi nhận thực tế tại “khu du lịch” tự phát hoạt động có quy mô lớn tại núi Vũng Chua, thuộc địa phận phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn). Từ quốc lộ 1D dẫn từ TP Quy Nhơn, men theo con đường mòn lên núi Vũng Chua, đi khoảng 100m là bắt gặp 2 tấm bảng hiệu lớn chỉ dẫn đi thêm 100m đến Khu du lịch sinh thái Suối Tiên - Công ty TNHH Suối Tiên Quy Nhơn.

Cổng vào đồ sộ, bê tông phủ kín cả khu vực đồi núi, có 2 người được bố trí để thu phí vào khu du lịch. Việc thu phí không hề có vé và không có con dấu của doanh nghiệp hay đơn vị quản lý nhà nước.

Vào sâu bên trong, khu du lịch được xây dựng theo mô hình quán cà phê, tham quan, ngắm cảnh. Khoảng đồi núi rộng hàng ngàn mét vuông được lát bê tông thành sân bãi, đóng ráp bàn đá, tường rào chắn bằng đá, nền gạch trải rộng trên 150m2, sàn và lan can bằng sắt cùng nhiều khu nhà cửa kiên cố khác...

Khu du lịch “chui” ảnh 1 Hiện trường xây dựng không phép tại cổng vào khu du lịch sinh thái Suối Tiên

Từ ghi nhận thực tế, phóng viên đến đăng ký làm việc với ông Võ Chí Thiện, Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn), để tìm hiểu thì ông Thiện cho biết, “khu du lịch” trên của ông Nguyễn Văn Phụng và vợ là bà Huỳnh Thị Hạnh (TP Quy Nhơn), đất có nguồn gốc từ đất trồng rừng, đất trồng cây lâu năm.

Năm 2001, khi tỉnh Bình Định có chủ trương quy hoạch tuyến du lịch Quy Nhơn - Sông Cầu, vợ chồng ông Phụng xin đầu tư dự án Khu du lịch Suối Tiên, song do không đủ năng lực tài chính nên không đủ điều kiện triển khai đầu tư dự án.

Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cho biết, năm 2007, Công ty TNHH Suối Tiên có đăng ký đầu tư tại điểm số 2, tuyến du lịch Quy Nhơn - Sông Cầu, song do năng lực doanh nghiệp không đảm bảo (vốn chỉ có 2 tỷ đồng) nên chưa được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. 

Mặc dù không đủ điều kiện nhưng vợ chồng ông Phụng vẫn gia cố khu đất và xây dựng các hạng mục, công trình, ngang nhiên kinh doanh du lịch trên núi Vũng Chua. Việc xây dựng trái phép diễn ra liên tục, qua nhiều thời kỳ, UBND phường Ghềnh Ráng dẫu biết nhưng vẫn không xử lý dứt điểm. Từ năm 2013, UBND phường đã lập biên bản cưỡng chế các công trình xây dựng trái phép của vợ chồng ông Phụng, song đến nay đã 7 năm trôi qua, công trình vẫn tồn tại và càng được bổ sung đầu tư thêm kiên cố, với quy mô rộng 2,23ha.

Tin cùng chuyên mục