Không tổ chức HĐND quận, phường tại TPHCM: Bộ máy tinh gọn, tiết kiệm cả ngàn tỷ


Theo chương trình, ngày 27-10, Quốc hội sẽ thảo luận tờ trình của Chính phủ về việc ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Ý nghĩa, hiệu quả của mô hình này đối với TPHCM đã được thể hiện rõ qua thực tiễn 7 năm (2009-2016) TPHCM thí điểm không tổ chức HĐND quận huyện và phường. Theo tính toán, nếu giai đoạn 2021-2026, TPHCM không tổ chức HĐND quận, phường sẽ tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng.

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND quận 7, TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND quận 7, TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Giảm tầng nấc, thời gian

Trong thời gian thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường, bộ phận tiếp dân của HĐND phường Tân Định (quận 1, TPHCM) được nhập với bộ phận tiếp dân của UBND phường. Cán bộ UBND thay HĐND phường tiếp nhận, giải quyết các ý kiến người dân. Theo ông Lê Tiến Sĩ, Bí thư Đảng ủy phường Tân Định, điều này giúp bộ máy công việc của phường được tinh gọn hơn. Mặt khác, hiệu quả và trách nhiệm làm việc của cán bộ được nâng cao hơn.

Với việc không tổ chức HĐND quận, phường, tổ chức chính quyền địa phương ở TPHCM sẽ là: Thành phố trực thuộc TPHCM; huyện, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND. Còn ở quận và phường gồm có UBND quận, UBND phường (là cơ quan hành chính nhà nước làm việc theo chế độ thủ trưởng). Riêng thành phố Thủ Đức khi hình thành sẽ có HĐND nhưng các phường thuộc thành phố Thủ Đức cũng giống như các phường khác, không có HĐND. 
Chính quyền đô thị là chính quyền tinh gọn, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; được tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phân cấp, ủy quyền trên nhiều lĩnh vực nhằm phát huy mọi năng lực, tiềm năng của đô thị để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.


Đặc biệt, việc không tổ chức HĐND đã giúp UBND phường tự chủ tốt hơn, chủ động quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, nhất là trong việc thu ngân sách. Trong khi đó, cử tri cũng được tiếp xúc trực tiếp với Chủ tịch UBND phường và những kiến nghị của cử tri được chủ tịch UBND đều được ghi nhận, giải quyết nhanh chóng. Cùng đó, các quyết định của UBND phường được UBMTTQ và các đoàn thể giám sát chặt chẽ.

Nhìn lại thời gian 7 năm thí điểm, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo đánh giá, hiệu quả lớn nhất là công việc triển khai nhanh chóng, hiệu quả, bộ máy tinh gọn, giảm được tầng nấc, thời gian. Quyền làm chủ của người dân được phát huy và ngân sách được tiết kiệm. Hết thời gian thí điểm, TPHCM tổ chức lại HĐND cấp quận huyện, phường thì biên chế tăng lên. Đi kèm đó, kinh phí tăng theo, chỉ riêng năm 2016 đã tăng 47 tỷ đồng. Sau này, kinh phí tiếp tục tăng thêm nữa.

Chia sẻ thêm, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm cho hay, giai đoạn 2009-2016, TPHCM đăng ký thí điểm trên quy mô toàn bộ quận huyện và phường. Khi đó, cái khó nhất là bố trí sắp xếp nhân sự thì TPHCM đã chủ động và giải quyết tốt. Cán bộ đang công tác tại HĐND quận huyện, phường được bố trí về các phòng ban của quận huyện hoặc hỗ trợ tìm kiếm công việc khác phù hợp. Nhờ vậy, bộ máy có thay đổi, nhưng hoạt động thuận lợi, không để ách tắc công việc của nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Hiệu quả kinh tế - xã hội của TPHCM trong giai đoạn thí điểm đều phát triển rất cao. Kinh nghiệm thực tiễn đó là hành trang rất quý để TPHCM trình Chính phủ, Quốc hội đề án lần này.

Nhiều kênh giám sát, phát huy quyền làm chủ của dân

TPHCM tính toán, trong nhiệm kỳ 2021-2026, khi không tổ chức HĐND quận, phường, TPHCM sẽ tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng, đồng thời tinh giản biên chế là đại biểu chuyên trách HĐND quận và phường.

Theo kế hoạch, ngay trước khi kết thúc đợt 1, vào ngày 27-10, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV sẽ nghe và thảo luận về các tờ trình, báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Để chuẩn bị cho nội dung làm việc này, tại phiên họp thứ 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ đã nêu đề nghị nghị quyết này có tên gọi là Nghị quyết Tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM (trong tên gọi không có từ “thí điểm”). Tại phiên họp ngày 12-10, đa số thành viên UBTVQH thống nhất với tờ trình của Chính phủ về việc thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM theo quy định của pháp luật hiện hành mà không thực hiện thí điểm; tất cả các thành viên thống nhất với việc trình Quốc hội xem xét dự thảo nghị quyết tại một kỳ họp theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.                 ANH THƯ                    


Một trong những lo ngại khi không tổ chức HĐND quận, phường là người dân sẽ thực hiện quyền giám sát, quyền làm chủ của mình ra sao? Ông Trương Văn Lắm cho rằng đây là vấn đề mà TPHCM quan tâm nhiều nhất, nên đã chủ động có cơ chế phát huy quyền đại diện, làm chủ, vai trò giám sát của đại biểu HĐND. Cụ thể, TPHCM là một trong những địa phương đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, theo định hướng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, nên những vấn đề phát sinh trên địa bàn, người dân có thể phản ánh tới chính quyền và giám sát việc xử lý. Mặt khác, TPHCM phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể, tổ chức các hội nghị nhân dân, đối thoại trực tiếp với chính quyền.

Bà Phạm Phương Thảo, trong thời gian thí điểm là Chủ tịch HĐND TPHCM, đại biểu Quốc hội, cũng chia sẻ kinh nghiệm cần phát huy tốt các kênh đại biểu HĐND TP, đại biểu Quốc hội, MTTQ và các đoàn thể, tổ chức ở địa phương và phát huy quyền làm chủ trực tiếp, tăng cường đối thoại. “Khi đó, tổ đại biểu HĐND TP chúng tôi ở quận 4 gồm có 3 người, đã thường xuyên gặp gỡ người dân. Mỗi tuần đều có người trực ở UBMTTQ quận, để người dân có điều gì cần phản ánh, nhờ tiếng nói của đại biểu HĐND thì chúng tôi gặp gỡ tiếp xúc kịp thời theo lịch hẹn”, bà Phạm Phương Thảo nói. 

Ngoài ra, quyền làm chủ, quyền giám sát của người dân cũng thể hiện qua các kênh báo chí, truyền thông. “Tôi thấy người dân phát hiện nhiều điều, như các kho bãi, nhà xưởng bỏ trống lãng phí, cần thu hồi lại. Trong nhiệm kỳ đó chúng tôi thu hồi lại được mấy chục nhà xưởng, kho bãi để làm trường học, các cơ sở công cộng phục vụ người dân. Vì vậy, nếu chúng ta phát huy những kênh này thì có thể phát huy quyền làm chủ và giải quyết những vấn đề quan tâm bức xúc của người dân, nghĩa là chính quyền vừa điều hành quản lý tốt vừa phục vụ nhân dân tốt”, bà Phạm Phương Thảo gợi mở. 

Cũng theo bà Phạm Phương Thảo, bài học lớn nhất từ thời gian thí điểm, chính là bộ máy phải phù hợp với thực tiễn. Nếu tổ chức bộ máy như “chiếc áo quá chật”, xử lý quá chậm qua nhiều tầng nấc thì không thể đáp ứng yêu cầu của người dân.

Ông NGUYỄN VĂN TRÍ, Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc (quận 7, TPHCM):

Có thêm tiền lo cho đời sống người dân 

Các vấn đề, thủ tục của doanh nghiệp thường liên quan trực tiếp và được giải quyết bởi UBND các cấp. Doanh nghiệp chúng tôi cũng ít khi hoặc gần như không phát sinh công việc liên quan tới HĐND quận, phường. Nếu không tổ chức HĐND quận, phường thì tôi thấy rất tốt. Việc không tổ chức HĐND quận huyện, phường đã được TPHCM thí điểm thực hiện và mang lại nhiều lợi ích. Dự kiến, trong nhiệm kỳ 2021-2026, khi không tổ chức HĐND quận, phường, TPHCM sẽ tiết kiệm gần 1.200 tỷ đồng. Khoản tiền tiết kiệm được từ việc không tổ chức HĐND quận, phường có thể dùng để cải thiện thu nhập cho những cán bộ, công chức khác làm được việc hoặc dùng cho an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Tôi mong rằng khi không tổ chức HĐND quận, phường thì chính quyền TPHCM sẽ có bộ máy tinh gọn hơn, tập trung thống nhất trong việc giải quyết các “điểm nghẽn” như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường một cách rốt ráo, hiệu quả hơn. Tôi mong muốn TPHCM triển khai kết hợp giữa việc không tổ chức HĐND quận, phường gắn với xây dựng đô thị thông minh, cải cách hành chính, triển khai dịch vụ công trực tuyến… nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Ông PHẠM NGỌC HẢI (phường 26, quận Bình Thạnh, TPHCM):

Cần tăng tiếp nhận ý kiến cử tri bằng kênh trực tuyến

Tôi đồng ý với việc không tổ chức HĐND quận, phường ở một đô thị như TPHCM. Khi không tổ chức HĐND quận, phường, thiết nghĩ UBND các cấp cần tăng cường tổ chức các cuộc tiếp dân, trực tiếp lắng nghe và tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của người dân đóng góp xây dựng chính quyền; tiếp nhận thông tin và giải quyết những khiếu nại, tố cáo của người dân. Các sở ngành, quận huyện trên địa bàn TPHCM cũng đang triển khai chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ trong việc công khai các thông tin, ghi nhận ý kiến phản ánh của người dân. Điều này rất tốt và cần được làm tốt hơn nữa để người dân TPHCM có thể phản ánh trực tiếp qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh và chính quyền tiếp nhận, xử lý ngay. 
Tôi đề nghị HĐND TPHCM cần phát triển mạnh mẽ kênh trực tuyến tiếp nhận ý kiến cử tri, để kịp thời ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhất là những quận, phường không còn HĐND. Khi tiếp nhận ý kiến cử tri, HĐND TPHCM cần theo dõi, giám sát việc các cơ quan chức năng giải quyết phản ánh của cử tri. Kết quả xử lý những phản ánh của cử tri cần được sớm công khai, minh bạch để người dân biết, tăng thêm niềm tin vào công tác quản lý nhà nước và hoạt động của HĐND TPHCM.

Tin cùng chuyên mục