Không thiếu thực phẩm tươi sống ngày tết

Vừa qua, Tổ công tác bình ổn thị trường TPHCM do bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, làm trưởng đoàn đã đi thực tế tại một số doanh nghiệp (DN) chủ lực cung ứng mặt hàng thịt heo, thịt gia cầm; đồng thời làm việc với các chợ đầu mối nông sản thực phẩm để kiểm tra việc thực hiện chương trình bình ổn thị trường (BOTT), cũng như kế hoạch tổ chức hàng hóa cung ứng cho mùa mua sắm cao điểm Tết Canh Tý 2020 sắp tới. 
Nuôi gà thảo mộc tại trang trại của Công ty TNHH San Hà. Ảnh: CTV
Nuôi gà thảo mộc tại trang trại của Công ty TNHH San Hà. Ảnh: CTV

Thịt gia cầm dồi dào, giá ổn định

Tại buổi làm việc, các DN cung ứng thịt gà, thịt vịt khẳng định, công tác phát triển sản xuất, phát triển tổng đàn đang gặp nhiều thuận lợi nên nguồn cung hàng hoá tết rất dồi dào, phong phú. Các DN cam kết ổn định giữ giá bán các mặt hàng 1 tháng trước tết và 1 tháng sau tết, đồng thời thực hiện khuyến mãi giảm giá bán trong 3 ngày cận tết. Riêng với mặt hàng thịt heo, các DN cho rằng nguồn cung sẽ không thiếu, cả thịt nóng lẫn thịt đông lạnh nhập khẩu, nhưng giá bán có thể nhích lên vào dịp cận tết.

Đi vào cụ thể, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà, cho hay đối với nguồn hàng phục vụ tháng cao điểm Tết Canh Tý, công ty đăng ký tham gia BOTT sản lượng 5.000 tấn/tháng, gồm thịt gà ta, gà công nghiệp nguyên con, gà thả vườn nguyên con, vịt nguyên con và gà công nghiệp pha lóc. Nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa 4 bên (gồm nhà cung ứng con giống, thức ăn gia cầm, người chăn nuôi và DN sản xuất kinh doanh) nên công ty hoàn toàn chủ động được sản lượng hàng với giá bán ổn định.

Đồng thời, San Hà có thể cung ứng hàng hoá cho chương trình bình ổn tăng gần gấp đôi so với sản lượng TP giao, tương ứng mức gần 10.000 tấn thịt gia cầm các loại. Công ty cũng đầu tư, nâng cấp các nhà máy đủ năng lực cung ứng cho thị trường và đáp ứng tốt nhất về an toàn thực phẩm (ATTP) với hơn 60% sản lượng của công ty đã tham gia và đạt chuỗi chứng nhận ATTP. Ngoài lượng thịt bình ổn, San Hà hiện cung ứng cho thị trường từ 120-150 tấn/ngày, các tháng tết có thể tăng sản lượng thêm từ 150 -200 tấn/ngày nhằm đảm bảo tốt nhất nhu cầu tiêu dùng.

Về điểm bán, hiện Công ty TNHH San Hà đã phát triển được hơn 480 điểm bán hàng BOTT, gồm hệ thống các siêu thị Co.opmart, Satrafood, Big C, Aeon, Bách hoá Xanh, Mega Market, các chợ bán lẻ và 22 điểm bán trong chuỗi cửa hàng San Hà Foods. Công ty sẽ phối hợp chặt chẽ với nhiều siêu thị để thực hiện các chương trình khuyến mãi giảm giá bán 10% đối với 3 mặt hàng là gà công nghiệp nguyên con, gà thả vườn và vịt nguyên con trong 3 ngày cận tết nhằm kích cầu tiêu dùng, đồng thời ổn định thị trường trong cao điểm tết.

Thông tin thêm từ các DN chủ lực như Công ty cổ phần Ba Huân, Công ty Vĩnh Thành Đạt, cho thấy các DN đều đã chuẩn bị xong kế hoạch hàng Tết với sản lượng tăng từ 20%-30% so với kết quả thực hiện mùa tết năm 2019. Trong trường hợp thị trường biến động về giá do sức mua tăng cao, các DN hoàn toàn đủ khả năng tung ra lượng hàng lớn để ổn định thị trường. 

Bên cạnh việc thực hiện tốt công tác BOTT, các DN đã lên kế hoạch phối hợp với các nhà phân phối khuyến mãi, giảm giá bán từ 10%-15% đối với mặt hàng thịt và trứng gia cầm, vừa kích cầu tiêu dùng vừa tạo nhiều lựa chọn cho khách hàng.

Không thiếu thịt heo

Tại Công ty cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Vissan, một lần nữa khẳng định, nguồn cung thịt heo cho thị trường không thiếu. Hiện Vissan đã tiến hành ký hợp đồng với các đối tác cung ứng heo hơi hàng đầu như CP, Everest, CJ, Japfa và các trang trại để ổn định nguồn cung; đồng thời, Vissan cũng đã ký cam kết cung ứng cho các nhà phân phối lớn kể từ ngày 1-12-2019 đến hết 24-1-2020, để đảm bảo lượng hàng trong dịp mua sắm cao điểm tết. 

Ở góc độ chăn nuôi, ông Võ Văn Thiệu, Giám đốc Công ty Chăn nuôi và chế biến thực phẩm Sài Gòn (Sagrifood), cũng khẳng định đơn vị đang có nguồn heo thịt khá dồi dào do nguồn con giống trước đây không tiêu thụ được nên chuyển sang nuôi thịt. Ngoài ra, công ty tập trung vào sản xuất con giống chất lượng cao với số lượng lớn cho các hộ chăn nuôi có nhu cầu tái đàn. Về sản lượng, Sagrifood sẽ chuẩn bị đầy đủ nguồn thịt heo theo hướng tăng gấp đôi so với sản lượng đã đăng ký BOTT, bao gồm 1.000 tấn thịt heo tươi sống, 280 thịt gà, 140 tấn thực phẩm chế biến các loại. Về giá heo hơi, theo ông Thiệu, giá heo hơi tăng cao như hiện nay chỉ nhất thời, vì giá quá cao sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu thụ. Do đó, có thể vài ngày tới, giá heo sẽ giảm trở lại.

Đại diện các chợ đầu mối cũng cho hay, nguồn heo về chợ vẫn đảm bảo cung - cầu. Tuy nhiên, do giá thịt heo những ngày gần đây tăng khá cao nên sản lượng thịt về chợ đầu mối giảm khá nhiều. Tại chợ đầu mối Bình Điền, lượng heo về chợ hiện giảm bình quân từ 8% -13%.

Ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, cho biết lượng heo về chợ trong những ngày gần đây giảm mạnh, chỉ còn từ 300 - 330 tấn/ngày, trong khi trước đây mức trung bình 400 tấn/ngày. Việc lượng heo về chợ giảm không phải quá lo vì đây là sự điều tiết của thị trường. Chẳng hạn, các hợp đồng cung cấp thịt heo cho DN, bếp ăn tập thể được ký kết với giá ổn định, trong thời gian nhất định. Nay giá tăng cao nên buộc các đầu mối cung cấp đàm phán lại hợp đồng, cũng như giảm lượng hàng để giảm lỗ cũng góp phần kéo sức tiêu thụ giảm theo. Cũng theo ông Tiển, trước đây có tiểu thương tiêu thụ 70 con heo mảnh/ngày, thì nay giảm còn khoảng 40 con vì họ lo ngại bị lỗ.

Ở nhóm các mặt hàng thủy hải sản tươi sống, hiện mỗi đêm lượng hàng về chợ Bình Điền khoảng 1.200 - 1.300 tấn, tăng nhẹ so với tháng trước. Do đang vào mùa tổ chức lễ, tiệc cuối năm nên giá bán một số loại cá cao cấp như bống mú, cá tầm tăng vọt, trong khi nhiều loại cá khác như điêu hồng, cá chép, cá lóc, cá lăng… giá ổn định, thậm chí có thời điểm giảm nhẹ. Bên cạnh lượng thủy hải sản về chợ ổn định thì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng bổ sung một lượng hàng rất lớn về chợ Bình Điền, tạo điều kiện để người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn. 

Kết thúc đợt khảo sát thực tế và làm việc đầu tiên tại các DN, bà Nguyễn Huỳnh Trang nhìn nhận, các DN đã và đang chuẩn bị nguồn hàng tết theo đúng tiến độ. Các mặt hàng tết năm nay tiếp tục đa dạng, phong phú, giá cả tương đối ổn định. Với mặt hàng thịt heo, bà Nguyễn Huỳnh Trang yêu cầu các DN, chợ đầu mối theo dõi chặt chẽ, báo cáo hàng ngày về sản lượng và giá cả. Trong trường hợp gặp khó khăn, cần báo ngay về Sở Công thương TPHCM để có biện pháp can thiệp, xử lý kịp thời.

Tăng cường sử dụng thịt heo đông lạnh

Theo Sở Công thương TPHCM, do dịch tả heo châu Phi diễn ra trên diện rộng, đã tác động trực tiếp đến việc tăng tổng đàn, trong khi nhu cầu sử dụng mặt hàng này vào mỗi dịp tết rất cao. Tại thời điểm hiện tại, mặt hàng thịt heo vẫn đáp ứng đủ cho nhu cầu sử dụng hàng ngày; tuy nhiên, giá cả đã tăng khá cao so với cùng kỳ. Trước tình hình trên, Sở Công thương TPHCM yêu cầu các DN điều chỉnh tăng sản lượng đối với các nhóm mặt hàng như thịt gia cầm các loại, trứng gia cầm, rau củ quả cho chương trình BOTT hoặc cân đối để đưa thêm các mặt hàng vào bình ổn giá; đồng thời có biện pháp sử dụng thịt heo nhập khẩu hợp lý, chủ động hơn trong việc nghiên cứu, chế biến đa dạng các sản phẩm thay thế thịt heo nhằm giảm áp lực về nguồn cung và giá bán đối với mặt hàng này. 

Với các DN như Vissan, San Hà cần bàn bạc với các nhà phân phối để có biện pháp đưa nguồn heo nhập khẩu đông lạnh ra thị trường, tạo nhiều sự lựa chọn cho khách hàng. Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, thịt heo đông lạnh từ các nước Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha, Bỉ, Canada được chăn nuôi theo quy trình nghiêm ngặt, việc bảo quản cấp đông cũng thực hiện rất tốt nên chất lượng không thua kém, trong khi giá thấp hơn khá nhiều so với thịt heo nóng. Việc tăng cường sử dụng thịt đông lạnh cũng nhằm giảm bớt sự căng kéo về nguồn thịt nóng. Nếu người tiêu dùng chuyển hướng sang sử dụng thịt heo đông lạnh và các loại thực phẩm tươi sống khác, chắc chắn nguồn thịt heo sẽ không thiếu hụt và giá bán cũng không quá cao.

Tin cùng chuyên mục