Không thiếu các mặt hàng thiết yếu

Ngày 31-5, ngày đầu tiên TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 “cộng” và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, thị trường hàng hóa thiết yếu vẫn rất dồi dào, phong phú, đảm bảo phục vụ đầy đủ cho nhu cầu của người dân. Hoạt động mua bán cả ở chợ truyền thống và siêu thị vẫn diễn ra bình thường, giá cả tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng sức mua tăng “loạn” như chiều 30-5.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Riêng mặt hàng rau củ giá bán có tăng nhẹ do nguồn hàng về chợ tạm thời giảm, vì khâu vận chuyển đang được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình chống dịch của TPHCM. 

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, sáng 31-5, sở đã đi khảo sát một số siêu thị để nắm bắt khả năng cung cầu và sức mua hàng hóa. Thực tế cho thấy, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân. “Vấn đề đặt ra là bà con nên bình tĩnh, không nên dự trữ hàng quá nhiều làm mất cân đối  cung - cầu và gây lãng phí”, ông Nguyễn Nguyên Phương nhấn mạnh. 

Mặt khác, ngành công thương TPHCM đang tổ chức đồng loạt nhiều giải pháp để giám sát việc cung ứng các mặt hàng thiết yếu, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến. Trước mắt, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp, các hệ thống phân phối hợp tác chặt chẽ với sở để thực hiện tốt công tác điều phối hàng hóa, đáp ứng cung cầu và bình ổn thị trường trong điều kiện vừa phòng chống dịch vừa sản xuất. Trong trường hợp hàng hóa tại điểm bán bị thiếu hụt, cần báo ngay để sở điều động đơn vị phân phối gần nhất mang hàng đến ứng cứu. 

Với các doanh nghiệp có điểm bán tại quận Gò Vấp và các địa bàn nằm trong diện giãn cách, cần tăng cường nguồn lực, nắm bắt và theo dõi sát về sức mua, khả năng cung cầu. Khi có dấu hiệu khách hàng đến mua sắm tăng đột biến, cần báo ngay để sở thực hiện việc điều phối hàng hóa.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, tại thời điểm này, sở khuyến khích người dân tăng cường mua hàng online. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa các loại hình bán hàng qua điện thoại, zalo, facebook, trang web cũng như qua nhiều hình thức khác để kéo giảm lượng khách đến siêu thị, tránh nguy cơ rủi ro bị lây nhiễm.

Chiều 31-5, tại các siêu thị nằm ở quận Gò Vấp như Lotte Mart (đường Nguyễn Văn Lượng), Emart (đường Phan Văn Trị), BigC (đường Nguyễn Kiệm) ghi nhận nguồn cung thực phẩm đều được bổ sung, hàng hóa được xếp đầy kệ. Tuy nhiên, tất cả đều chung tình trạng thưa thớt người dân đến mua sắm. Đến 18 giờ, tại các siêu thị trên, lượng khách hàng đến mua sắm hàng hóa đông hơn so với buổi trưa.

Các mặt hàng được chọn mua nhiều nhất vẫn là thực phẩm tươi sống các loại như thịt gia súc, thịt gia cầm, rau củ quả, trái cây, mì gói, bún khô, bột gia vị… Dù lượng khách đông, sức mua lớn nhưng hàng hóa được cung ứng rất kịp thời nên không xảy ra tình trạng “đứt hàng”. Khách hàng tuân thủ khá tốt quy định về khoảng cách 2m giữa 2 người trong thời gian đứng chờ tính tiền.

Tại chợ Căn cứ 26, chợ Gò Vấp và một số chợ tự phát nằm trên đường Nguyễn Văn Công, Phạm Văn Chiêu, Thống Nhất, hoạt động buôn bán bình thường, nhưng lượng người dân đến rất ít và vắng vẻ. Một tiểu thương tại chợ Căn cứ 26 cho biết, ngày 30-5 chị không đủ hàng để bán. Tuy nhiên, ngày 31-5, sức mua giảm mạnh và bán chậm hơn những ngày thường. Nguyên nhân do không ít người dân khi nghe thông tin cách ly đã đổ xô đi mua đồ tích trữ vào ngày 30-5.

Tin cùng chuyên mục