Không thí điểm thuế tài sản ở TPHCM

Chiều nay 24-11, trước khi bế mạc, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. So với dự thảo trước đó, đã có một số điều chỉnh sau khi tiếp thu ý kiến của các ĐBQH.
Chiều 23-11, bên hành lang Quốc hội, ông Phan Nguyễn Như Khuê (ảnh), Phó Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM đã trao đổi với PV Báo SGGP một số vấn đề xung quanh nội dung này.
Không thí điểm thuế tài sản ở TPHCM ảnh 1
 ° Phóng viên: Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội bấm nút sẽ có những điều chỉnh gì thưa ông?
° Ông PHAN NGUYỄN NHƯ KHUÊ: Đến ngày 23-11, dự thảo nghị quyết đã được Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Tư pháp thẩm định và cho ý kiến, trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội cho bấm nút vào chiều 24-11. Có thể nói, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đều tạo điều kiện tốt nhất để TPHCM phát triển. Có một vài điểm điều chỉnh thay đổi, ví dụ vấn đề thuế tài sản sẽ chưa đề cập lần này, tức bỏ ra khỏi nội dung nghị quyết. Vì TPHCM cũng chưa xây dựng được đề án, dự án rõ nét; nếu đặt vấn đề này trong nghị quyết có thể khiến doanh nghiệp băn khoăn về môi trường đầu tư kinh doanh. Đó cũng là yếu tố sẽ gây bất lợi cho lộ trình 5 năm thực hiện thí điểm về cơ chế đặc thù cho TPHCM (Trước đó, dự thảo nêu Chính phủ trình Quốc hội quyết định ban hành Luật Thuế tài sản đối với nhà, đất và thực hiện thí điểm trên địa bàn TPHCM). 

Cùng với điều chỉnh trên, theo dự thảo trước đó, ngân sách TPHCM được hưởng số thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước do UBND TPHCM quản lý và phần thu được từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND TPHCM làm đại diện chủ sở hữu. TPHCM sử dụng nguồn thu này và ngân sách TP để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, kể cả đầu tư cho các dự án chống ngập và 2 bệnh viện tuyến cuối của TP; ngân sách trung ương sẽ không bổ sung cho TP 18.800 tỷ đồng từ nguồn thu cổ phần hóa để thực hiện các dự án này như dự kiến trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, tại dự thảo cuối cùng, trong số 18.800 tỷ đồng thì 10.000 tỷ đồng chưa giao cho TPHCM, TPHCM cũng chưa xây dựng dự án, vì thế ngân sách trung ương sẽ không bổ sung cho TP số này. Chỉ có 8.800 tỷ đồng đầu tư xây dựng 2 bệnh viện tuyến cuối đang triển khai, vì vậy vẫn giữ nguyên. Bổ sung 10.000 tỷ đồng cho TPHCM là từ nguồn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn với tài sản trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước... TPHCM sẽ nỗ lực tối đa để bảo đảm 10.000 tỷ đồng này không gây áp lực khó khăn trong chính sách chung của quốc gia.

° Có ý kiến cho rằng, nghị quyết nói trên nặng về nguồn thu, nguồn lực nhưng chưa đột phá về cơ chế?

° Thực ra, cơ chế này không chỉ đơn thuần là xoay xở để tìm nguồn vốn, mà đi liền với đó là sắp xếp tổ chức lại bộ máy, xây dựng nguồn nhân lực và phân cấp, ủy quyền gắn liền với trách nhiệm trong công việc. Nếu có vốn mà không khoa học trong phương án tổ chức thực hiện thì nguồn vốn cũng không mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, trong cơ chế lần này có tính toán nhiều khía cạnh, ngoài việc tạo động lực về vốn đầu tư để phát triển, còn xem xét các điều khoản để có thể tháo gỡ những ách tắc. Ví dụ, HĐND TPHCM được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên nhưng phải đảm bảo diện tích đất trồng lúa theo quy định của Chính phủ trong mỗi kỳ kế hoạch sử dụng đất, tức là không phải tùy tiện. Hoặc tuyển dụng người tài, TPHCM đưa ra khỏi yếu tố quân bình là hộ khẩu, đó cũng là cách tính toán để thu hút tài năng. 

° Khi Quốc hội thông qua nghị quyết, TPHCM sẽ bắt tay vào việc triển khai ra sao thưa ông?

° Nghị quyết chỉ là vấn đề nguyên tắc, nguyên lý. Khi Quốc hội thông qua, TPHCM phải có nghị quyết của Đảng bộ TPHCM. Rồi Ban Cán sự đảng TPHCM phải bắt tay ngay vào việc, hình thành các tiểu ban để xây dựng các đề án cụ thể, báo cáo trung ương rồi bắt tay ngay vào thực hiện. TPHCM sẽ xây dựng đề án cụ thể, lồng ghép các nội dung của nghị quyết để thực hiện theo lộ trình.

Mặc dù Quốc hội đã giao TPHCM được giữ lại ngân sách 18%, đây là tỷ lệ đã ổn định trong tài khóa giai đoạn này, nhưng TPHCM luôn cố gắng vượt trên chính mình để vừa giải quyết cho đầu tư phát triển của TPHCM, cũng vừa góp phần cho vấn đề nguồn vốn tăng trưởng của quốc gia. Do đó không ảnh hưởng gì đến đầu tư trung hạn đã được Quốc hội quyết định. Nghị quyết cũng nêu cần xem xét lại việc thuế, phí, lệ phí. Ở đây, phải tuân thủ những vấn đề mà Quốc hội, Chính phủ quyết định, thu thêm ngoài danh mục thì phải lập đề án để HĐND TPHCM xem xét, báo cáo có quyết định hợp lý. Tức là, TPHCM không thể đưa ra những vấn đề tự mình trói lại mình, mà cần tạo sự thông thoáng, sự hưởng ứng của toàn thể người dân TPHCM. Để được như vậy thì mặc dù thí điểm cơ chế đặc thù nhưng TPHCM phải có đề án chi tiết, kể cả vấn đề thu nhập bình quân tăng thêm, chế độ đãi ngộ nhằm thu hút các nhà khoa học, chuyên gia. Mục tiêu là làm sao tạo nguồn lực phong phú để biến hóa cơ chế đặc thù này thành những đề án cụ thể và được thực hiện một cách suôn sẻ.

TPHCM sẽ cố gắng tối đa để không phụ niềm tin của người dân cả nước, của Bộ Chính trị, của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành. Mọi tầng lớp cư dân TPHCM đang trông chờ vào một sự bứt phá để TPHCM là đầu tàu cả nước, vì cả nước.

° Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục