Không thể ứng phó với biến đổi khí hậu một cách đơn lẻ

Ngày 28-7, tại TP Hội An, Bộ TN-MT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu (BĐKH). Do vậy thời gian qua, Việt Nam đã chủ động và tích cực xây dựng “Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định” (viết tắt là INDC) và đệ trình INDC lên Ban thư ký Công ước khung của Liên Hợp quốc về BĐKH vào tháng 9-2015. 

Theo INDC của Việt Nam, đến năm 2030, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và có thế giảm tiếp đến 25% nếu nhận được hỗ trợ quốc tế. Đồng thời, Việt Nam sẽ thực hiện nhiều hoạt động thích ứng giúp tăng khả năng chống chịu với BĐKH tạo điều kiện để có thể đóng góp nhiều hơn cho giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Không thể ứng phó với biến đổi khí hậu một cách đơn lẻ ảnh 1 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: NGỌC PHÚC
Là một trong số những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của BĐKH, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định, BĐKH là vấn đề nóng của toàn cầu, vì vậy mỗi địa phương không thể thực hiện việc triển khai ứng phó một cách đơn lẻ. Các ngành chức năng, các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ cho công tác quản lý tài nguyên và môi trường, ứng phó với BĐKH cho Quảng Nam nói riêng cũng như trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung.

Theo bà Lê Thị Tuyết Hạnh – Phó Giám đốc Sở TN- MT Quảng Nam, dưới tác động của BĐKH, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng, gây nhiều tổn thất to lớn về người, cơ sở hạ tầng, kinh tế, văn hóa, xã hội, tác động xấu đến môi trường.

Chỉ tính từ năm 2010-2016 Quảng Nam đã thực hiện Chương trình Môi trường quốc gia ứng phó với BĐKH; Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH và các chương trình giảm nhẹ, phòng chống thiên tai ứng phó với BĐKH của các tổ chức phi chính phủ như Wap, Swim Việt Nam, Jica, Đông Tây hội ngộ, Ngân hàng Thế giới….

“Xu thế chung mực nước biển của tỉnh Quảng Nam thời kỳ từ năm 1980- 2014 là tăng, trong đó mực nước biển trung bình tăng 0,3cm/năm”, bà Hạnh cho biết.

Không thể ứng phó với biến đổi khí hậu một cách đơn lẻ ảnh 2 Cửa Đại, TP Hội An bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: NGỌC PHÚC
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện một số địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Nghệ An, Quảng Bình và Quảng Ngãi cho biết đã xây dựng và ban hành kế hoạch về ứng phó với BĐKH.

Ông Lương Văn Ngự – Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng cho hay, tại Lâm Đồng, nông nghiệp là lĩnh vực chịu tổn thương nặng nề nhất do BĐKH. Sự thay đổi lượng mưa vào mùa khô, mưa trái mùa gây giảm năng suất, chất lượng của một số cây công nghiệp chủ lực (chè, cà phê,..,) và sự gia tăng nhiệt độ làm hoa màu ôn đới ở những vùng chuyên canh hoa màu như tại TP Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương… bị suy giảm nghiêm trọng chất lượng và năng suất.

Ngoài ra, những hiện tượng thời tiết cực đoan như: mưa đá, sương muối, lốc xoáy và hạn hán làm thiệt hại nặng nề đến hoa màu và kết cấu nhà kính của người dân.

Đặc biệt, với lĩnh vực du lịch, vài năm trở lại đây do ảnh hưởng của BĐKH nên ngay cả Đà Lạt nhiều lúc thời tiết cũng trở nên oi bức, khó chịu. Mùa mưa có lượng mưa nhiều hơn, thời điểm mưa cũng thay đổi, mùa khô thì càng khô hạn kéo dài.

“Du lịch đến Đà Lạt không còn là nơi tránh nắng, tránh nóng theo mùa cho du khách mà còn làm gia tăng nguy cơ bị hứng chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan. Vì vậy, việc xây dựng chiến lược phòng chống BĐKH là rất cần thiết ”, ông Ngự thẳng thắn nhìn nhận.

Tại hội nghị, các nhà quản lý, các nhà khoa học trên toàn quốc trong lĩnh vực BĐKH đã đưa ra những tham luận, kinh nghiệm trong việc ứng phó với BĐKH như: công tác quản lý nhà nước về BĐKH; tác động của BĐKH và các nỗ lực ứng phó BĐKH tại Quảng Nam; kịch bản BĐKH và tác động của BĐKH đến khu vực miền Trung - Tây Nguyên; hướng dẫn xây dựng kế hoạch cấp tỉnh thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hướng đến sự phát triển kinh tế xã hội toàn vùng ổn định và bền vững.

 

Thỏa thuận Paris về BĐKH đã được các quốc gia thông qua tại COP 21 (Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hợp quốc về BĐKH), là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên quy định trách nhiệm ứng phó với BĐKH của tất cả các bên.

Trọng tâm của Thỏa thuận Paris là đưa ra các quy định liên quan đến trách nhiệm xây dựng và thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định của mỗi bên tham gia Công ước khí hậu. 

Cho đến nay, Thỏa thuận đã được 195 nước ký, 155 nước phê chuẩn trong tổng số 197 bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về BĐKH. Thỏa thuận Paris chính thức có hiệu lực từ ngày 4-11-2016. 

Tin cùng chuyên mục