Không thể lãng tránh trách nhiệm

Sáng 25-8, tại khách sạn Melia (Hà Nội) diễn ra “Tuần lễ Năng lượng tái tạo 2020” với chủ đề “Đột phá để phục hồi và phát triển xanh vì cuộc sống an lành”. Lịch trình sự kiện gồm 4 chuỗi tọa đàm, dự kiến kéo dài đến ngày 28-8. 

Mở màn là hội thảo quốc tế về “Phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam: lợi ích, nút thắt và giải pháp tháo gỡ” với sự tham gia của rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Đây là sự kiện do Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) - một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập theo Quyết định số 840/QD-LHH ngày 27-12-2011 của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) - tổ chức.

Thế nhưng, tại sự kiện này, trong tài liệu, hình ảnh cung cấp cho các đại biểu tham gia tọa đàm, phần bản đồ Việt Nam không có hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, thậm chí trên bản đồ còn in dòng chữ “South China Sea” chứ không phải “Biển Đông”. Sự việc này ngay lập tức dậy sóng mạng xã hội, khiến cộng đồng rất bức xúc. 

Ngay sau khi sự việc này được phát hiện, tổ chức GreenID đã ra thông cáo thừa nhận và cho biết, tại hội thảo, ban tổ chức đã chia sẻ tài liệu của một số đối tác, trong đó có tập tài liệu “Tiếp cận năng lượng và các giá trị tạo ra cho người dân ở khu vực chưa có điện tại Việt Nam” và “Những kỹ năng và tiềm năng tạo việc làm trong tương lai từ năng lượng tái tạo tại Việt Nam” cùng hình ảnh giới thiệu điện mặt trời tại hội thảo. Ngay sau khi hội thảo khai mạc, ban tổ chức và đại biểu phát hiện sai sót trong hình ảnh bản đồ Việt Nam. Toàn bộ số tài liệu sai sót về bản đồ đã được thu hồi, đồng thời ban tổ chức đã làm việc với cơ quan chức năng của Hà Nội về sai sót này. Tổ chức này xin lỗi và cho rằng đây chỉ là “thiếu sót ngoài ý muốn” nhưng “sẽ nghiêm chỉnh chấp hành quyết định của cơ quan chức năng” về vụ việc. 

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, đại diện Bộ Công thương khẳng định không hề biết có hội thảo này và cũng không tham dự. Theo tìm hiểu, tham dự và trình bày tại sự kiện này có cán bộ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). 

Hiện nay, tại khu vực duyên hải miền Trung và ĐBSCL đang có rất nhiều dự án đầu tư điện mặt trời có sự góp mặt của các nhà đầu tư nước ngoài nhưng chủ yếu đến từ Trung Quốc. Trước đó, tháng 11-2019, EVN đã từng cảnh báo có tình trạng đưa bản đồ “hình lưỡi bò” lên thiết bị biến đổi điện mặt trời (Inverter) xuất xứ từ nước ngoài và ứng dụng phần mềm để theo dõi vận hành hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tại các địa phương ở miền Nam nước ta. Vì vậy, EVN đã có văn bản yêu cầu các đơn vị thành viên nghiêm túc và khẩn trương thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn thủ đoạn tuyên truyền phi pháp này. 

Tin cùng chuyên mục