Không thể chậm chân

 Giữa nhịp sống đang từng ngày phục hồi, sinh sôi, phát triển, những con số gắn mác “ca mắc mới” vẫn tăng đều, có nhiều ca chuyển biến nặng nhưng riêng tại TPHCM, số tử vong đã về con số 0.

Chúng ta đã kiểm soát dịch bệnh với kết quả không có ca tử vong, bằng độ phủ vaccine đi cùng hệ thống nhà thuốc đảm bảo nguồn cung thuốc kháng virus, thuốc theo toa của Bộ Y tế, bằng mạng lưới thăm khám, tư vấn từ xa cùng 300 y bác sĩ trẻ về “đóng chốt” ở các trạm y tế xã, phường… Lấy đó làm “kháng thể” nhằm đảm bảo kích hoạt toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt thúc đẩy vận hành và tìm hướng khai thác mới, thích ứng ở lĩnh vực công nghiệp - thương nghiệp - dịch vụ; chú trọng gia tăng chất lượng, tăng tốc sản xuất, phân phối ở lĩnh vực tiêu dùng, dịch vụ du lịch…

Lãnh đạo thành phố chủ động, trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, “đặt mình trong từng doanh nghiệp” để nhận diện rõ từng khó khăn, vướng mắc, chỉ đạo tháo gỡ trên từng đầu việc, nhóm lĩnh vực cụ thể, có lộ trình cam kết, báo cáo kết quả. Theo đó, từ Tết Nhâm Dần đến hết tháng 3, là quá trình tham vấn, thực thi và hoàn thiện các công trình lịch sử - văn hóa, đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Hoàn tác cụm công trình Công viên Bến Bạch Đằng, Công trường Mê Linh, tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo, đi cùng những công bố kế hoạch, thời gian phục dựng Đình thần An Khánh tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, chỉnh trang khu vực hồ Con Rùa, sắp tới là chợ Bến Thành… đã thật sự thu hút và tạo sự đồng thuận lớn trong xã hội cả về chủ trương lẫn cách thức triển khai.

Tuy nhiên, bên cạnh những việc làm được, cũng có một số việc đã “làm” ở một số lãnh đạo, cán bộ các cấp ngành của thành phố, ít nhiều gây nên những lo âu, bức xúc cho xã hội. Đó là, sự lúng túng của ngành GD-ĐT dẫn tới việc xử lý “chiến dịch” đưa con em trở lại trường học giai đoạn đầu diễn ra khá nhiều bất cập, khiến phụ huynh bất an. Cùng với đó là chế độ hỗ trợ giáo viên mầm non, tiểu học… sau mùa dịch vẫn hầu như chưa chuyển động, bên cạnh hàng loạt trường mầm non phải đóng cửa đã khiến nhiều giáo viên mầm non lẫn nhà đầu tư vào phân khúc này lâm cảnh khốn khó. Khả năng dự báo và động thái quyết liệt nhằm kiểm soát tốt hơn thị trường đất đai cần nhạy bén, mạnh mẽ hơn nữa của các đơn vị tham mưu để tránh xảy ra cú “trả cọc” sau phiên đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm. Một hiện tượng không mới, đã xảy ra ở nhiều nơi, nhiều năm trước, nhưng vẫn lặp lại, đó là khi thông tin dưới dạng “ý tưởng”, “đề xuất ý tưởng” một số huyện lên quận, hoặc “bỏ qua quận, xin lên thành phố” công bố, dù chưa thành hình là chủ trương, kế hoạch hay bất cứ một cơ chế khai thác, quản lý nào thì ngay lập tức, giá đất ở các khu vực này đã tăng vọt, tạo nguy cơ bong bóng nhà đất, bất ổn trật tự, trị an ở các địa bàn liên quan…

Trước những diễn biến thực tế, nhất là các tình huống phát sinh, các sự cố bất ngờ có liên quan đến đời sống thường nhật của người dân, thu hút sự quan tâm, lo âu của mọi gia đình, hơn lúc nào hết, vai trò điều hành, dẫn dắt của cán bộ, lãnh đạo trên từng lĩnh vực cần được thể hiện kịp thời. Thái độ, phản ứng, xử lý của chính quyền các cấp trước các điểm nóng này là thước đo năng lực, bản lĩnh và trách nhiệm trong mắt nhân dân. Ví dụ, bước đi chủ động trong năng lực sử dụng công cụ để điều tiết thị trường thông qua cơn biến động giá vàng, cơn khát xăng dầu, cơn bão tăng giá của các sở ngành liên quan sẽ như thế nào? Trong những tác động không thể tránh khỏi của tình hình thị trường thế giới, khu vực, thì bản thân các quỹ dự phòng, bình ổn cùng các nguồn cung ứng liệu đã tích lũy, thiết lập thay thế hay đa dạng hóa của thành phố có kích hoạt kịp thời chưa? Hoặc chưa thì bao giờ sẽ có, sẽ vận hành?

Năng lực dự báo đi cùng năng lực kiểm soát, đánh giá và nghiệm thu những cam kết, hứa hẹn trước đó luôn cần được song hành. Nó là kết quả của “nói và làm” ở bất kỳ vị trí, chức trách của bất cứ cán bộ, lãnh đạo nào. Như đến thời điểm này, chúng ta vẫn nên đặt lại dấu hỏi về lộ trình của dự án nhà ven sông, kênh rạch bị ô nhiễm hoặc một triệu căn hộ cho người thu nhập thấp đang ở đâu, đến đâu?; phương án củng cố y tế cơ sở sau đại dịch với tầm nhìn biến “những pháo đài” thành những “trụ đỡ cộng đồng” hay các dự án giao thông mang tính chiến lược vẫn còn chờ đợi  phương án bố trí ngân sách hoặc tìm một cách thức hợp tác công tư phù hợp. 

Rõ ràng, từ tháng 4 này, những gì đã làm được sẽ tiếp tục phát huy; những gì còn chuyển động chậm, thậm chí vẫn giậm chân thì sẽ gây mất thời gian trong cú tăng tốc ở quý 2. Và thời gian chắc chắn không chờ những người chậm chân với khát vọng phát triển của thành phố.

Tin cùng chuyên mục