Không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần tại công sở

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. 
Một cuộc họp ở Sở Tư pháp TPHCM sử dụng bình và ly thủy tinh phục vụ đại biểu. Ảnh: MAI HOA
Một cuộc họp ở Sở Tư pháp TPHCM sử dụng bình và ly thủy tinh phục vụ đại biểu. Ảnh: MAI HOA

Thủ tướng chỉ thị người đứng đầu các bộ ngành, địa phương ban hành chỉ thị hoặc kế hoạch giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trong ngành, lĩnh vực và địa bàn quản lý (hoàn thành trước ngày 30-10-2020). Gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (bao gồm túi ni lông khó phân hủy, bao gói nhựa thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm, cốc và bộ đồ ăn...). Không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa... dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường. Tiên phong, gương mẫu thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ngay tại công sở, bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại các cơ quan, đơn vị.

Thủ tướng chỉ thị Bộ TN-MT hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên; thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn; thực hiện tốt việc giảm thiểu, phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải (bao gồm chất thải nhựa). Nghiên cứu, đề xuất cơ chế hạn chế sản xuất, tiêu dùng và có lộ trình cấm sản xuất, tiêu dùng một số sản phẩm nhựa dùng một lần. Bộ Tài chính nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường theo hướng mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với túi ni lông, bao bì và sản phẩm nhựa khác; nghiên cứu đề xuất đánh thuế vật liệu nhựa gốc (virgin plastics).

Tin cùng chuyên mục