Không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu

Trong sáng 21-6, với 86,35% ĐB tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Được xử lý các khoản nợ đến trước ngày 15-8

Trước đó, giải trình tiếp thu về dự thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến nhất trí với phạm vi nợ xấu cần xử lý là các khoản nợ xấu phát sinh trong thời hiệu của nghị quyết để thống nhất các biện pháp xử lý nợ xấu, tạo điều kiện cho các TCTD xử lý tối đa nợ xấu. Một số ý kiến đề nghị nghị quyết chỉ xử lý đối với khoản nợ xấu tính đến 31-12-2016 để nâng cao trách nhiệm của TCTD trong quan hệ tín dụng. Có ý kiến đề xuất nghị quyết áp dụng đối với khoản nợ xấu đến thời điểm ngày 31-12-2017.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, căn cứ vào ý kiến còn khác nhau của các ĐB, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo gửi phiếu xin ý kiến các vị ĐB về 2 phương án quy định phạm vi nợ xấu cần xử lý theo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các TCTD. Tuy nhiên, kết quả lấy phiếu của hai phương án không có sự chênh lệch lớn (phương án 1: 203 phiếu, phương án 2: 193 phiếu), không quá bán so với số ĐB.

Sau khi cân nhắc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy để bảo đảm thực hiện mục tiêu xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD như đã đề ra trong Nghị quyết 05-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XII và Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, phấn đấu đến năm 2020 nợ xấu của các tổ chức tín dụng xuống dưới 3%; nghị quyết thí điểm mang tính đặc thù… nên nợ xấu được xác định hình thành trước ngày 15-8-2017 và thời điểm nghị quyết có hiệu lực được xác định là ngày 15-8-2017. Còn sau thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các TCTD, ban hành và áp dụng các chuẩn mực quản trị ngân hàng, quản lý rủi ro cao hơn, hợp lý theo thông lệ quốc tế để giảm thiểu phát sinh nợ xấu mới. Sau quá trình thực hiện nghị quyết, Chính phủ tiến hành tổng kết, đánh giá và đề xuất sửa đổi hệ thống pháp luật có liên quan để xử lý các khoản nợ xấu phát sinh mang tính thường xuyên, thuộc rủi ro trong hoạt động kinh doanh tiền tệ của hệ thống ngân hàng. Thời hạn có hiệu lực của nghị quyết là 5 năm kể từ ngày có hiệu lực.

Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định phạm vi nợ xấu cần xử lý theo phương án nêu trên sẽ bảo đảm nguồn lực để tập trung xử lý các khoản tín dụng xấu đang gây cản trở hoạt động của hệ thống ngân hàng, tránh việc các TCTD có thể lạm dụng các quy định của nghị quyết để xử lý nợ xấu của các khoản nợ phát sinh sau ngày 15-8-2017.

Về ý kiến xung quanh Phụ lục về xác định nợ xấu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho biết, việc xác định nợ xấu gồm nhiều nội dung chi tiết, mang tính chuyên sâu về nghiệp vụ. Tuy nhiên phải rất cụ thể vì là căn cứ quan trọng xuyên suốt các nội dung của nghị quyết, làm căn cứ cho Quốc hội, các ĐB Quốc hội giám sát. Nếu quy định chi tiết vào dự thảo sẽ khó thể hiện về kỹ thuật lập pháp. Do đó, việc xác định nợ xấu được ban hành theo phụ lục kèm theo. Việc xem xét, sửa đổi Phụ lục, trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có nhiều hoạt động khác nhau trong nền kinh tế có thể phát sinh nợ xấu, trong đó có hoạt động đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và cấp tín dụng dưới hình thức tái chiết khấu giấy tờ có giá. Trong hoạt động mua hoặc ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, TCTD phải bỏ tiền mua nhưng đặc điểm của trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết là phát sinh rủi ro tín dụng, do không được niêm yết trên thị trường nên ít phát sinh hoạt động mua bán, khó xác định giá trị thị trường (khác với loại trái phiếu doanh nghiệp được niêm yết). Theo quy định hiện hành, việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp là hoạt động cấp tín dụng của TCTD đối với doanh nghiệp vì đây là loại tài sản có phát sinh rủi ro tín dụng; thông lệ quốc tế đều quy định TCTD phải phân loại và trích lập dự phòng đối với hoạt động đầu tư này, trong đó có xác định nợ xấu. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của ĐB, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan rà soát, bảo đảm các nội dung cần thiết quy định tại Điều 2 của Phụ lục về các hoạt động phát sinh nợ xấu, giảm từ 11 hoạt động xuống 9 hoạt động phát sinh nợ xấu, trong đó bỏ nội dung về hoạt động gửi tiền tại TCTD trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và các hoạt động khác có phát sinh khoản thu để bảo đảm sự chặt chẽ trong quy định của nghị quyết.

 Không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu ảnh 1 Biểu quyết thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng 

Thu giữ tài sản bảo đảm nhưng không được vi phạm pháp luật

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến cho rằng cần đánh giá thực tiễn thực hiện quyền thu giữ theo các nghị định trước đây của Chính phủ. Có ý kiến đề nghị làm rõ việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thu giữ, xử lý tài sản (như trường hợp nhân viên ngân hàng vi phạm trình tự, thủ tục hoặc làm mất mát, hư hỏng tài sản của người vay hoặc người thứ ba liên quan) mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Một trong những điểm đáng chú ý trong đó nghị quyết đã sửa đổi quy định “Không sử dụng các khoản chi ngân sách nhà nước cho xử lý nợ xấu” thành “Không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu” để phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội số 25/2016/QH14 về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Giải trình về vấn đề này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trước khi trình Quốc hội dự thảo nghị quyết này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tổng kết thi hành các văn bản liên quan, trên cơ sở đó cơ quan soạn thảo đánh giá tác động của chính sách về thu giữ tài sản bảo đảm. Việc tổng kết pháp luật hiện hành liên quan đến chế tài xử lý các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong quá trình thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm cho thấy các quy định liên quan vẫn nên tiếp tục được thực hiện, nên không quy định trong dự thảo nghị quyết. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của ĐB và để bảo đảm chặt chẽ, dự thảo nghị quyết bổ sung quy định xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình xử lý nợ xấu (bao gồm thu giữ tài sản bảo đảm).

Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp thu ý kiến các ĐB, đồng thời, để bảo đảm sự chặt chẽ của việc thu giữ tài sản bảo đảm tránh nguy cơ xảy ra mất an ninh, trật tự xã hội tránh việc thu giữ tài sản xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, dự thảo nghị quyết đã tiếp thu và bổ sung nội dung: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, tổ chức được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm”.

Xung quanh nội dung về thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại tòa án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho biết, qua tổng kết, đánh giá, Chính phủ thấy rằng các điều kiện quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 không phù hợp với tính chất của giao dịch bảo đảm, TCTD khó áp dụng được các điều kiện này để áp dụng trình tự thủ tục rút gọn tại tòa án. Việc không được áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của TCTD, do đó, căn cứ quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo nghị quyết đã bổ sung cho phép áp dụng thủ tục rút gọn đối với tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm trên cơ sở giao dịch bảo đảm này đã được đăng ký theo quy định của pháp luật (phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ ba). Đồng thời, để bảo đảm tính khả thi, dự thảo nghị quyết này đã giao Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn chi tiết về áp dụng thủ tục rút gọn.

Tin cùng chuyên mục