Không “phúc khảo” với những hồ sơ không đủ số phiếu trong xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT?

Bà Nguyệt nói rõ: “Theo quy định, chúng tôi sẽ tiếp nhận và xử lý đơn thư trong 20 ngày. Tuy nhiên, việc xử lý đơn thư không đồng nghĩa với việc có đơn thư thì sẽ mở lại Hội đồng. Việc có mở lại Hội đồng xét duyệt hay không sẽ do các cấp có thẩm quyền quyết định”.

Ngày 28-7, trả lời báo chí tại buổi họp báo thường kỳ quý 2 của  Bộ VH-TT-DL, liên quan tới các trường hợp nghệ sĩ Quốc Cơ, Quốc Nghiệp, Thoại Mỹ… không có mặt trong danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) để lấy ý kiến nhân dân trước khi trình lên Hội đồng cấp Nhà nước, bà Nghiêm Thị Thanh Nguyệt, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng (Bộ VH-TT-DL), cho biết, theo kết quả bỏ phiếu, các nghệ sĩ này đều không đạt trên 80% số phiếu của hội đồng.

“Với danh hiệu NSND, ngoài việc xét theo giải thưởng, huy chương, còn được xem xét theo 4 tiêu chí của Điều 8 Nghị định 40/2021 sửa đổi, bổ sung về xét tặng danh hiệu. Đối với nghệ sĩ không có giải thưởng thì phải xem xét quá trình cống hiến, tài năng nghệ thuật, tầm ảnh hưởng và sức ảnh hưởng trong từng loại hình nghệ thuật. Sau khi thảo luận, Hội đồng tiến hành bỏ phiếu kín và kiểm phiếu tại chỗ. Sau cuộc họp, kết quả bỏ phiếu khá đầy đủ và chính xác tinh thần đã thảo luận trước đó”, bà Nguyệt nói.

Cũng theo đại diện Vụ Thi đua Khen thưởng, các thành viên hội đồng có đọc và nghiên cứu hồ sơ trước khi họp từ 5-7 ngày, đặc biệt là những hội đồng có số lượng hồ sơ cần bỏ phiếu lớn để các thành viên có thời gian xem xét kỹ lưỡng. Hội đồng cũng tiếp nhận nhiều kênh thông tin, mời các chuyên gia đối với ngành chuyên sâu và đảm bảo các yếu tố vùng miền Bắc - Trung - Nam, đều là những người làm nghề, uy tín và hiểu biết rộng về các vùng miền.

Chia sẻ về trường hợp của nghệ sĩ Quốc Cơ, Quốc Nghiệp, Thoại Mỹ… bà Nguyệt cho biết, các hồ sơ không được thông qua có nhiều yếu tố, tuy nhiên, để nói nguyên do tại sao thì khó, bởi mọi vấn đề đều được đưa ra trao đổi và đánh giá công khai tại Hội đồng.

Đối với trường hợp các nghệ sĩ TPHCM không có mặt trong danh sách trình lên vòng tiếp theo đều do không đạt đủ số phiếu 80%. Cũng theo bà Nguyệt, việc xét tặng này không phải cuộc thi, vì thế sẽ không có “phúc khảo”.

Trả lời rõ hơn về việc liệu không “phúc khảo” có đồng nghĩa với việc sẽ không xem xét lại với các các trường hợp “bị trượt” khi xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước (danh hiệu NSND, NSƯT) hay không, bà Nguyệt nói rõ: “Theo quy định, chúng tôi sẽ tiếp nhận và xử lý đơn thư trong 20 ngày. Tuy nhiên, việc xử lý đơn thư không đồng nghĩa với việc có đơn thư thì sẽ mở lại Hội đồng. Việc có mở lại Hội đồng xét duyệt hay không sẽ do các cấp có thẩm quyền quyết định”.

Tuy nhiên, theo bà Nguyệt, cũng có thể có trường hợp xem xét lại nhưng cá biệt, như năm 2018 Văn phòng Chính phủ chỉ đạo bằng văn bản thì mới có căn cứ để mở lại Hội đồng.

Tin cùng chuyên mục