Không nên xếp hạng chung các đại học có sứ mạng khác nhau

Việc xếp hạng của nhóm nghiên cứu vừa được công bố có vấn đề về tính khoa học và tính pháp lý. 

Lần đầu tiên, một nhóm gồm 6 chuyên gia độc lập đã công bố bảng xếp hạng 49 trường đại học (ĐH) Việt Nam. Hầu hết đều trân trọng sự tâm huyết của nhóm chuyên gia trong việc nỗ lực để có một bảng xếp hạng ĐH - điều mà cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GD-ĐT cũng như Hiệp hội ĐH-CĐ chưa làm được.

Tuy nhiên, những bất cập của bảng xếp hạng đầu tiên này cũng khiến nhiều ý kiến trong xã hội cũng như các chuyên gia giáo dục, bản thân nhiều trường cũng phản ứng. Nhiều ý kiến đưa ra đóng góp để nhóm chuyên gia hoàn thiện hơn về tiêu chí xếp hạng, giúp cho một tổ chức xếp hạng độc lập nào đó trong tương lai hoàn thiện hơn.

Không nên xếp hạng chung các đại học có sứ mạng khác nhau ảnh 1 Các trường trong top đầu của bảng xếp hạng 49 trường đại học Việt Nam 
Phóng viên Báo SGGP ghi nhận một số ý kiến về vấn đề này.

TS Hoàng Ngọc Vinh nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT): Nên có bộ tiêu chí xếp hạng

Việc nghiên cứu xếp hạng trường ĐH là việc làm hữu ích để giúp cho các trường tự soi mình qua so sánh với trường khác và cho xã hội có bức tranh chung về một trường ĐH hoặc nền giáo dục ĐH. Tuy nhiên, nó chỉ có ý nghĩa nếu việc xác định các thông tin đầu vào tin cậy, chính xác, chuẩn hóa và có sự tương đồng sứ mạng, tổ chức quản trị của các trường tham gia xếp hạng và được xếp hạng bởi một tổ chức chuyên nghiệp.

Tôi cho rằng, xếp hạng trường ĐH là vấn đề phức tạp trong điều kiện các trường ĐH Việt Nam không mang nhiều thông tin chuẩn hóa có thuộc tính chung, số liệu đầu vào thiếu tin cậy.

Cách xếp hạng như nhóm các tác giả vừa công bố quá chú trọng đến thông số đầu vào mà ít chú ý đến quá trình (hiệu quả khai thác các yếu tố đầu vào) và đặc biệt thiếu đánh giá các yếu tố đầu ra của nghiên cứu khoa học và giảng dạy (như tỷ lệ tốt nghiệp đúng thời hạn, tỷ lệ bị đuổi học, bỏ học, tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp, giá trị sáng tạo đổi mới, số hợp đồng và giá trị hợp đồng nghiên cứu chuyển giao, hiệu quả đầu tư tài chính trên đầu sinh viên...).

Cá nhân tôi đánh giá cao tâm huyết của nhóm nhưng nhóm còn thiếu kỹ năng chuyên nghiệp của đánh giá xếp hạng do thiếu tổ chức quá trình tiếp cận nguồn thông tin, chưa có một sự đồng thuận tương đối của các cơ sở giáo dục ĐH và có lẽ chưa thật hiểu tính da dạng của ĐH Việt Nam.

Nên để Hiệp hội ĐH-CĐ và các bên liên quan như Bộ GD-ĐT, các trường, doanh nghiệp... kể cả sinh viên phải được tham vấn về bộ chỉ số tiêu chí xếp hạng, để việc xếp hạng có ý nghĩa đích thực và sao cho mỗi lần công bố không còn ồn ào tranh cãi nữa.

Ngoài ra, xếp hạng phải bám vào phân tầng các trường ĐH theo sứ mạng là ĐH nghiên cứu, ĐH nghiên cứu ứng dụng hay ĐH định hướng nghề nghiệp như Luật Giáo dục đại học quy định. Phải so trong nhóm đó với nhau mới có thể có thuộc tính chuẩn để xếp hạng.

Sứ mạng khác nhau như ĐH Bách khoa Hà Nội so với ĐH Sư phạm hoặc so với Học viện Nông nghiệp mà xếp theo các tiêu chí chung thì không được logic cho lắm. Đặc biệt, để bảo đảm xếp hạng khách quan thì số liệu phải chuẩn hóa tối đa...

Ông Nguyễn Phong Điền Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội: Dữ liệu xếp hạng phải đầy đủ

Việc các tổ chức đánh giá xếp hạng trên cơ sở căn cứ khoa học, tiêu chí khách quan là rất đáng làm, là một kênh cung cấp cho các trường thấy được điểm mạnh, điểm yếu của mình. Tuy nhiên, việc xếp hạng của nhóm nghiên cứu vừa được công bố có vấn đề về tính khoa học và tính pháp lý. Tính khoa học chưa đảm bảo do tiêu chí chưa đầy đủ và dữ liệu chưa chính xác. Tính pháp lý chưa có, do một nghiên cứu khoa học trước khi công bố phải có ít nhất 2 phản biện độc lập.

Nhóm đưa ra các tiêu chí họ cho là khách quan nhưng nguồn dữ liệu họ tiếp cận quá hạn chế. Họ chưa đủ nguồn lực để thu thập dữ liệu. Nguồn lực ở đây là có quyền tiếp cận, dễ dàng lấy được dữ liệu phản ánh hoạt động của các trường, là mối quan hệ để các trường có thể đối thoại cởi mở.

Việc đưa ra một kết luận khoa học phải dựa trên luận cứ khoa học. Vì vậy, dữ liệu đầu vào rất quan trọng. Nếu chỉ xem báo cáo 3 công khai chưa được cập nhật của các trường, sau đó xem một số nguồn khác rồi đánh giá thì rất sơ sài, không đủ căn cứ xếp hạng.

Bộ tiêu chí của nhóm cũng chưa tính đến các yếu tố quan trọng như mức độ hài lòng của người học, khảo sát sinh viên ra trường, tỷ lệ sinh viên có việc làm, hoặc tiêu chí về việc đảm bảo sứ mạng của trường đó.

Bà Lê Thị Thu Thủy Phó Hiệu trưởng ĐH Ngoại thương: Nên có một tổ chức độc lập tiến hành xếp hạng

Bảng xếp hạng này, như chính ý kiến của nhóm chuyên gia độc lập cũng đã nêu, chỉ có ý nghĩa tham khảo. Các tiêu chí đánh giá của nhóm cũng chưa thực sự phổ quát để có thể đánh giá chất lượng tổng thể của một trường ĐH nên cũng cần nghiên cứu hoàn thiện hơn.

Kết quả của bảng xếp hạng chỉ phản ánh một phần chất lượng của cơ sở giáo dục ĐH. Vị trí xếp hạng cao thấp của các trường không có nghĩa trường này tốt hơn trường kia ở tất cả các mặt. ĐH Ngoại thương coi vị trí được xếp hạng theo các tiêu chí và cách tiếp cận đánh giá của nhóm nghiên cứu là một thông tin để xem xét điểm mạnh, điểm yếu của mình dưới các góc nhìn khác nhau.

Dù được đánh giá là trường tốp trên, điểm chuẩn rất cao nhưng thứ hạng chỉ ở trung bình, chúng tôi cũng nhận thức được một số hạn chế của mình trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các công bố quốc tế.

Xếp hạng các trường ĐH phụ thuộc vào các tiêu chí đánh giá, tỷ trọng các tiêu chí và dữ liệu thu thập được. Các tổ chức xếp hạng khác nhau có thể đưa ra các tiêu chí đánh giá xếp hạng khác nhau. Vì vậy, thứ hạng của các trường ĐH cũng thay đổi tùy theo bảng xếp hạng.

Để đánh giá đúng chất lượng các trường ĐH và đưa ra được một bảng xếp hạng có tính thuyết phục cao nên có một tổ chức độc lập tiến hành trên cơ sở xây dựng một bộ tiêu chí phù hợp với thực tiễn giáo dục ĐH Việt Nam,

Ông Lê Hữu Lập Phó Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông: Dữ liệu đầu vào thiếu chính xác và tiêu chí chưa đầy đủ thì kết quả khó thuyết phục

Bảng xếp hạng các trường ĐH của nhóm có rất nhiều điều phải bàn. Thứ nhất là tiêu chí đánh giá với đặc thù của các trường ĐH ở Việt Nam so với các trường ĐH trên thế giới; thứ hai là những khó khăn hạn chế không thể khắc phục nổi như chính báo cáo thừa nhận (mô hình ĐH Việt Nam không thống nhất, số liệu không cập nhật, không đáng tin cậy)...

Những khó khăn này sẽ dẫn tới làm sai lệch kết quả xếp hạng. Mà đã sai lệch thì không biết xếp hạng để làm gì, kể cả để tham khảo. Bản chất dữ liệu đầu vào thiếu chính xác và tiêu chí chưa đầy đủ... thì không thể có kết quả đầu ra gọi là tạm chấp nhận được.

Tóm lại, việc xếp hạng này ý định tốt, nhưng phương pháp luận và tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế; kết quả khó chấp nhận và cũng không dùng để làm gì. Còn về phía người dân thì họ chỉ quan tâm xem con cháu họ vào học trường nào, ngành nào phù hợp để sau ra trường có công ăn việc làm. Cái này thì chẳng cần xếp hạng dân cũng biết.

Tin cùng chuyên mục