Không nên phức tạp hóa phương thức tuyển sinh

Một mùa tuyển sinh đại học (ĐH) dần khép lại. Tuy vậy, năm đầu tiên Bộ GD-ĐT tổ chức xử lý tất cả nguyện vọng (NV) chung trên hệ thống đã nhận về không ít phàn nàn từ phía thí sinh (TS), cơ sở đào tạo. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đã có những trao đổi làm rõ một số vấn đề liên quan.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn 
PHÓNG VIÊN: Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT có đánh giá gì về kết quả xét tuyển, những mặt tích cực cũng như tồn tại, bài học cần rút ra, thưa ông?

Thứ trưởng HOÀNG MINH SƠN: Về cơ bản, đến nay, hệ thống hoạt động tương đối ổn định, mang lại nhiều kết quả tích cực, nhất là TS được quyền lựa chọn NV mình ưu tiên. Bộ GD-ĐT có được cơ sở dữ liệu thống nhất, minh bạch trong toàn hệ thống, giúp khắc phục nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý.

Trong quá trình chạy hệ thống cũng có những trục trặc nhất định, và bộ đã hướng dẫn các trường phối hợp với TS để sửa các lỗi, đảm bảo quyền lợi của TS. Về tổng thể, việc tổ chức xét tuyển năm nay có sự chuyển đổi rất mạnh về mặt công nghệ, đảm bảo quyền lợi của TS và giảm lượng TS ảo, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số. Kết quả lọc ảo phải chờ sau ngày 30-9 mới chính xác, vì lúc đó TS hoàn tất việc xác nhận nhập học. Tất cả điều này sẽ được Bộ GD-ĐT tổng hợp, phân tích sau khi có dữ liệu đầy đủ. 

Có ý kiến cho rằng, hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT quá ôm đồm và ít nhiều làm giảm quyền tự chủ trong tuyển sinh của các trường?  

Chuyển đổi số là quá trình mới, nên sẽ có những bỡ ngỡ, rào cản. Bộ GD-ĐT xây dựng hệ thống xét tuyển không nằm ngoài mục đích lọc ảo tốt hơn, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của TS. Ở góc độ quản lý nhà nước, điểm quan trọng là Bộ GD-ĐT có cơ sở dữ liệu đầy đủ về các phương thức xét tuyển. Trên cơ sở dữ liệu đó, bộ sẽ có những phân tích, nhận định đầy đủ để làm tốt hơn công tác quản lý và hỗ trợ các trường trong việc đưa ra phương thức xét tuyển phù hợp. Còn tôi cho rằng, đã là cái mới thì bao giờ cũng có sức cản. Quyền tự chủ của các trường luôn được tôn trọng, nhưng nếu như các trường có nhiều phương thức xét tuyển phức tạp, không đảm bảo quyền lợi, sự công bằng giữa các TS, hoặc xét tuyển vượt số lượng chỉ tiêu theo quy định thì Bộ GD-ĐT có căn cứ và công cụ để điều chỉnh việc này.

Điểm chuẩn trúng tuyển ĐH dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và vẫn có hiện tượng điểm chuẩn gần như tuyệt đối ở một số trường, ngành. Quan điểm của Bộ GD-ĐT thế nào?

Nói mặt bằng điểm chuẩn năm nay cao là không đúng, mà là có sự phân hóa mạnh, biến động lớn. Vấn đề cần bàn ở đây là vì sao điểm chuẩn cao đến mức vượt trên cả điểm thủ khoa. Điều này Bộ GD-ĐT đã phân tích và cảnh báo từ trước. Thứ nhất, liên quan tới việc cộng điểm ưu tiên chưa thực sự công bằng đối với những ngành có tính cạnh tranh cao. Những ngành có nhiều TS đăng ký nhưng chỉ tiêu ít thì điểm chuẩn bị đẩy lên cao. Điểm cộng ưu tiên dù 0,1-0,2 điểm đã rất quan trọng, chưa nói đến việc có thể được cộng tối đa tới 2,75 điểm. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đã có dự thảo điều chỉnh việc cộng điểm ưu tiên mới, áp dụng từ năm 2023. 

Không nên phức tạp hóa phương thức tuyển sinh ảnh 2 Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM. 
Ảnh: THANH HÙNG
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đánh giá kết quả học tập của học sinh sau 12 năm học phổ thông thì rất nhiều trường có thể sử dụng để xét tuyển. Tuy nhiên, đối với những ngành có tính cạnh tranh cao, đòi hỏi năng lực chuyên biệt, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường tổ chức kỳ thi bổ sung hay có phương thức xét tuyển thay thế, đảm bảo tính phân loại cao hơn, đánh giá năng lực chuyên biệt tốt hơn. 

Theo ông, có nên lạm dụng phương thức xét tuyển kết hợp các chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế hay năng lực ngoại ngữ quốc tế?

Đó là quyền tự chủ của các trường. Bộ GD-ĐT chỉ yêu cầu trong quy chế là các trường phải giải trình được việc sử dụng phương thức xét tuyển có đánh giá được năng lực hay sự phù hợp của TS đối với ngành học, chương trình học đó hay không, có đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển hay không. 

Trên cơ sở kết quả của năm nay thì phương thức tuyển sinh năm sau có những thay đổi gì, thưa ông?

Năm nay, sau khi có đầy đủ cơ sở dữ liệu, bộ sẽ công bố các thông tin chung để xã hội thấy có thể có sự chưa hợp lý trong việc phân bổ chỉ tiêu và sử dụng các phương thức xét tuyển khác nhau. Bộ GD-ĐT cũng sẽ có thông tin của từng trường và nếu có sự bất hợp lý, bộ sẽ làm việc với từng trường để điều chỉnh. Các trường được tự chủ phương thức tuyển sinh cũng như phân bổ chỉ tiêu, nhưng phải giải trình được về chất lượng đầu vào cũng như tính công bằng. Quan điểm của bộ là các trường không nên sử dụng quá nhiều phương thức tuyển sinh, chỉ cần 1-2 phương thức là đủ, không nên phức tạp hóa phương thức tuyển sinh. Từ năm 2023, chúng ta cũng áp dụng quy định cộng điểm ưu tiên mới, sẽ bảo đảm tính công bằng hơn ở những ngành có tính cạnh tranh cao.

Tin cùng chuyên mục