Không nên để nhân vật bị tai tiếng lên sóng truyền hình

Vụ ca sĩ Phạm Anh Khoa bị tố “quấy rối tình dục” trở thành tâm điểm của ngành giải trí những ngày qua. Sau một thời gian im lặng, Phạm Anh Khoa chính thức lên tiếng xin lỗi, tuy nhiên lại phủ nhận cáo buộc gạ tình. Ngày 14-5, TSKH Phan Đình Tân đã chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề này.
Không nên để nhân vật bị tai tiếng lên sóng truyền hình ảnh 1TSKH Phan Đình Tân
PHÓNG VIÊN: Ông có cho rằng những vụ việc lùm xùm tố “quấy rối tình dục” của ca sĩ này là ảnh hưởng từ phong trào MeToo - Tôi cũng vậy - đang dậy sóng giới showbiz của nhiều nước trên thế giới?
TSKH PHAN ĐÌNH TÂN: Cũng có thể một phần có tác động từ trào lưu này, song theo tôi, đây là quy luật tự nhiên của cuộc sống. Phụ nữ Việt Nam trước đây hay e ngại, tránh bàn luận và công khai nói những chuyện như vậy. Nhưng nay, khi nhận thức về quyền đầy đủ hơn, phụ nữ sẽ thấy rõ việc cần và phải lên tiếng để bảo vệ chính bản thân. Họ là những người phụ nữ có dũng khí.
Thực tế, không chỉ trong giới giải trí mà nhiều ngành nghề khác nhau cũng có hiện tượng bám theo những người nổi tiếng để đánh bóng bản thân?
Chuyện đó trên thế giới rất nhiều và Việt Nam cũng không loại trừ. Không chỉ tạo scandal mà còn mượn sự kiện, mượn trào lưu để phô diễn tự thân… Trong những trường hợp này, người trong cuộc là rõ hơn cả. 
Mọi thông tin khi chưa có bằng chứng rõ ràng thì cần cân nhắc, không nên phán xét, áp đặt. Song một lần nữa tôi đánh giá cao những người dũng cảm tố cáo những hành vi sàm sỡ, quấy rối trong xã hội. Cần phải động viên và đứng về phía những người dám đấu tranh, dám lên tiếng để đẩy lùi cái xấu.
Ông có cho rằng vụ việc này là hồi chuông thức tỉnh xã hội về việc ý thức bảo vệ bản thân cũng như ngăn ngừa các hành vi xâm hại, quấy rối?
Chuông thì đánh từ lâu, nhiều hồi rồi. Các vụ gạ tình, đổi tình lấy điểm, lấy vai diễn, lấy công việc… đã từng được phát hiện và đấu tranh gay gắt. Nhưng đây cũng là việc khiến nhiều người phải nhìn lại, bỏ đi những e dè, yếu đuối để có thể bảo vệ cái đúng, đưa xã hội phát triển văn minh hơn. Thái độ không im lặng, mạnh mẽ lên tiếng cần được nhân rộng để cái xấu cũng bị phơi bày ra ánh sáng…
Việc Phạm Anh Khoa nói không nghĩ rằng những việc làm, hành động như vậy là xúc phạm và làm ảnh hưởng tới đồng nghiệp nữ. Nói vậy là do quá ngây thơ hay cố tình không hiểu?
Chia sẻ với báo chí về trường hợp Phạm Anh Khoa, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh cho biết: Chúng tôi phải đợi đủ thông tin, còn việc Phạm Anh Khoa mới là chuyện thái độ, dư luận, chưa có đủ căn cứ để cục can thiệp. Nghị định biểu diễn cũng chưa cho can thiệp khi mới là dư luận. Trước đây cũng có một số vụ, nhưng chưa có bằng chứng cụ thể.... Tuy nhiên, các đơn vị tổ chức tùy theo hoàn cảnh, mục đích của chương trình có quyền gạch tên Phạm Anh Khoa.
Tôi không tin khi anh ấy nói rằng không có ý thức về những lời nói, việc làm của mình có ảnh hưởng như vậy. Phạm Anh Khoa có gia đình, vì thế anh ấy biết rõ thế nào là riêng tư, là nhạy cảm… Nếu anh ấy trả lời rằng “không ý thức được” là chưa ổn. Không thuyết phục!
Ông có cho rằng văn hóa xin lỗi của giới showbiz đang có vấn đề?
Phân tích về tâm lý, khi con người có tội thì luôn bao biện, tìm cách giảm nhẹ nó đi. Không chỉ showbiz mà giới nào, từ chính trị gia, hay giáo viên… cũng có những con người không dám nhìn thẳng vào sự thật, bao biện cho lỗi lầm của mình.
Không nên để nhân vật bị tai tiếng lên sóng truyền hình ảnh 2 Ca sĩ Phạm Anh Khoa bị tố “quấy rối tình dục” trở thành tâm điểm của ngành giải trí những ngày qua
Trong những trường hợp nghệ sĩ đang gặp nhiều vướng mắc, gây lùm xùm dư luận như vậy, theo ông có phù hợp để tiếp tục xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia?
Theo tôi, kênh sóng truyền hình quốc gia, kênh truyền thông chính thống cần phải cân nhắc sử dụng hình ảnh, thông tin về những nhân vật được cho là đang “có vấn đề”. Tôi ủng hộ việc chương trình ca nhạc ở TPHCM đã dũng cảm từ chối, không để nghệ sĩ có vướng scandal này tham gia. Dù biết rằng những chương trình đã lên kịch bản sẵn, mỗi thay đổi đều gây ra vô vàn những thiệt hại đối với nhà tổ chức. Song họ vẫn quyết định cứng rắn “loại” trường hợp này ra khỏi đêm diễn. Đây là hành động được đánh giá cao về mặt ý thức. 
Dẫu biết rằng quyền phán xét người này có tội, hay không có tội không thuộc về truyền thông, nhưng cần phải có quan điểm rõ ràng với các trường hợp đang có nhiều dư luận trái chiều trong xã hội.

Tin cùng chuyên mục