Không nên buộc phải có mã định danh cá nhân khi tiêm vaccine Covid-19

Hôm trước, người hàng xóm đến nhà tôi hỏi về thủ tục xin cấp mã định danh cá nhân (ĐDCN) cho con để tiêm vaccine phòng Covid-19. Lý do là con của anh 17 tuổi đang học nghề tại Hà Nội, đi tiêm vaccine thì cơ sở y tế yêu cầu phải cung cấp mã ĐDCN mà không chấp nhận chứng minh nhân dân (CMND) dù đang còn hạn sử dụng.

Việc cấp mã ĐDCN do công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú thực hiện. Vì vậy, dù CMND vẫn còn hạn sử dụng nhưng những người đi làm ăn, học hành ở xa, nếu không nhờ được người thân thì phải về nơi thường trú để xin cấp mã ĐDCN mới được tiêm chủng. Điều này gây ra khó khăn cho người dân vì phải vất vả đi lại, tốn thời gian, công sức, tiền bạc. Mặt khác, cũng tạo áp lực công việc cho ngành công an khi phải cấp mã ĐDCN với số lượng lớn lại phải “chạy” theo quy trình cập nhật hệ thống phần mềm tiêm chủng vaccine Covid-19 của ngành y tế. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, các địa phương đang tổ chức tiêm đại trà cho trẻ 12-17 tuổi, nhiều em chưa có căn cước công dân (CCCD) gắn chip nên nhu cầu rất lớn.

Tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh ở Hà Nội, tháng 12-2021. Ảnh: VIẾT CHUNG
Theo Luật Căn cước công dân năm 2014, Nghị định số 05/1999/NĐ-CP thì công dân chỉ phải đi làm CCCD gắn chip nếu đang dùng CMND, CCCD mã vạch trong một số trường hợp như 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi hoặc CMND hết hạn sử dụng; bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhận dạng…

Hơn nữa, Điều 38 Luật Căn cước công dân quy định, CMND đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực (1-1-2016) vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có nhu cầu thì được đổi sang thẻ CCCD mới. Như vậy, các trường hợp công dân đã được cấp CMND, CCCD gắn mã vạch mà còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng, không thuộc trường hợp phải đổi, cấp lại, nếu người dân chưa có nhu cầu đổi sang CCCD gắn chip thì vẫn sử dụng bình thường cho đến khi hết hạn.

Từ ngày 22-1-2021, công an các tỉnh dừng cấp CMND 9 số, thẻ CCCD mã vạch để chuyển sang cấp CCCD gắn chip điện tử. Có nghĩa là trước ngày này, nhiều người dân vẫn được cấp CMND và CCCD mã vạch có thời hạn lên đến 15 năm. Ví dụ, những người được cấp CMND cuối tháng 1-2021 thì 15 năm nữa, tức đến tháng 1-2036, những CMND này mới hết hạn sử dụng. Lúc này, người dân bắt buộc phải đổi sang CCCD gắn chip. Tương tự, nếu người đủ 40 tuổi, vừa được cấp CCCD mã vạch vào cuối tháng 1-2021 thì đến năm 2043 họ mới phải đổi thẻ CCCD gắn chip.

Vì vậy, có thể khẳng định thời điểm hiện nay, nếu công dân đang dùng CMND/CCCD trong thời hạn sử dụng thì không cần thiết phải đổi và đó là giấy tờ tùy thân hợp pháp, trừ khi họ có nhu cầu đổi sang CCCD gắn chip. Việc không chấp nhận CMND là giấy tờ tùy thân mà buộc phải có mã ĐDCN khi tiêm vaccine Covid-19 là chưa hợp lý. 

Có thể hiểu việc cơ sở y tế yêu cầu như vậy là phục vụ quy trình cập nhật hệ thống phần mềm tiêm chủng vaccine Covid-19; tuy nhiên, nên sửa đổi, hoàn thiện phần mềm này để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đi tiêm chủng. Theo đó, cần chấp nhận cả CMND, CCCD thay vì buộc công dân phải cung cấp mã ĐDCN, nếu chưa có CCCD gắn chip.

Tin cùng chuyên mục