Không lo thiếu nguồn tuyển giáo viên

Thời điểm hiện tại, các quận huyện trên địa bàn TPHCM đang bước vào “cao điểm” tuyển dụng giáo viên cho năm học mới. Ghi nhận chung từ các địa phương cho thấy năm nay nguồn tuyển rất dồi dào, đã có nhiều cải tiến được áp dụng nhằm nâng cao chất lượng giáo viên. 

Nhu cầu giáo viên giảm

Mới đây, Phòng GD-ĐT quận 5 vừa công bố kế hoạch tuyển dụng giáo viên năm học 2019-2020: tuyển 110 giáo viên, giảm 21 chỉ tiêu so với năm học 2018-2019. Trong đó, bậc mầm non giảm mạnh nhất với 20 giáo viên, kế đến là bậc THCS tuyển 26 giáo viên, riêng bậc tiểu học tăng nhẹ chỉ tiêu với 64 giáo viên sẽ được tuyển mới.

Năm nay, quy trình tuyển dụng được thực hiện thông qua hình thức xét tuyển dựa trên điều kiện đăng ký hồ sơ dự tuyển của các ứng viên, kết hợp với kết quả phỏng vấn trực tiếp. Thời gian nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển từ nay đến hết ngày 20-7, dự kiến các buổi phỏng vấn sẽ diễn ra trong ngày 30 và 31-7. Kết quả ứng viên trúng tuyển được công bố vào đầu tháng 8 tới.

Tương tự, tại quận Bình Thạnh, năm học này cần bổ sung thêm 85 giáo viên, giảm gần một nửa chỉ tiêu so với năm học 2018-2019. Điểm khác biệt của địa phương này so với các quận huyện khác là điểm xét tuyển được tính dựa trên kết quả học tập (bao gồm điểm học tập và điểm tốt nghiệp), cộng với điểm phỏng vấn trực tiếp ứng viên để kiểm tra năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Riêng với quận 2, năm nay ngành giáo dục cần bổ sung 68 vị trí việc làm, gồm 65 giáo viên và 3 nhân viên, giảm mạnh chỉ tiêu so với 131 giáo viên và 11 nhân viên của năm học 2018-2019. Trong đó, ứng viên đăng ký dự tuyển chỉ được đăng ký dự tuyển vào một vị trí việc làm tại một đơn vị, nếu đăng ký dự tuyển cùng một vị trí việc làm tại 2 đơn vị khác nhau sẽ bị xóa tên trong danh sách dự tuyển, hoặc hủy kết quả xét tuyển.

Không lo thiếu nguồn tuyển giáo viên ảnh 1 Giáo viên thể dục đang dạy các em rèn luyện thể chất tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Năm học 2019-2020, quận Thủ Đức tuyển 158 giáo viên cho cả 3 bậc học (mầm non, tiểu học và THCS), giảm 21 chỉ tiêu so với năm học 2018-2019. Nhu cầu tuyển dụng giảm chủ yếu ở 2 bậc mầm non và tiểu học, do năm học này các lớp tuyển sinh đầu cấp không chịu áp lực “năm sinh vàng”, cơ cấu trường lớp đã ổn định từ những năm học trước.

Đặc biệt ở quận Tân Phú, năm học 2019-2020 thực hiện đổi mới trong quy trình tuyển dụng. Theo đó, nếu như năm học 2018-2019, kết quả xét tuyển của ứng viên là tổng điểm học tập, điểm tốt nghiệp và điểm phỏng vấn kiểm tra năng lực, trình độ chuyên môn, thì năm nay công tác tổ chức được thực hiện theo trình tự 2 vòng.

Ở vòng 1, hội đồng tuyển dụng sẽ kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của các ứng viên thông qua hồ sơ dự tuyển, nếu phù hợp mới được tiếp tục tham dự vòng 2. Tại vòng 2, lần lượt từng ứng viên sẽ được phỏng vấn kiểm tra năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Tiến tới giao quyền tự chủ cho các đơn vị

Năm học 2019-2020, huyện Nhà Bè tiếp tục thực hiện giao quyền tự chủ tuyển dụng cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục. Theo đó, ứng viên được chọn một trong số 34 đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập đang hoạt động trên địa bàn để đăng ký dự tuyển và nộp hồ sơ trực tiếp tại đơn vị đó.

Các khâu tiếp theo của quá trình tuyển dụng sẽ do các đơn vị tự thực hiện dựa trên kế hoạch bổ sung nhân sự đã được UBND huyện phê duyệt trước đó. Thành phần hội đồng tuyển dụng gồm đại diện UBND huyện, phòng GD-ĐT huyện và thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp giáo dục.

Tại quận 10, ông Nguyễn Thành Văn, Trưởng phòng GD-ĐT quận, cho biết sau 3 năm thực hiện giao quyền tự chủ tuyển dụng về cho các đơn vị, nhìn chung công tác tuyển dụng đáp ứng khá tốt yêu cầu đặt ra. Các trường có thể chủ động thời gian tuyển dụng, tìm được ứng viên phù hợp yêu cầu và chất lượng giáo dục tại đơn vị.

“Thời gian đầu khi thực hiện giao quyền, một số đơn vị còn bỡ ngỡ, nhưng đến nay đã quen với việc tự chủ, quá trình tổ chức gặp nhiều thuận lợi”, đại diện Phòng GD-ĐT quận 10 cho biết.

Ngoài ra, khi được giao quyền, các trường sẽ được chủ động đề xuất hội đồng tuyển dụng, nếu được UBND quận thông qua thì tổ chức tuyển dụng theo thẩm quyền. Ứng viên đăng ký dự tuyển vào đơn vị nào phải thường xuyên theo dõi thông tin tại địa chỉ website của đơn vị đó, khác với việc tập trung tất cả đầu mối thông tin về website của phòng GD-ĐT như ở các địa phương khác.

Riêng đối với bậc THPT, theo ông Nguyễn Huỳnh Long, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT TPHCM), lãnh đạo sở đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện phân cấp tuyển dụng đối với 2 đơn vị được phân cấp tuyển dụng trong năm học trước. Như vậy, năm học 2019-2020 sẽ không có thêm trường THPT nào được mở rộng phân cấp tuyển dụng.

Trước đó, nhằm tạo điều kiện cho các trường chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển đội ngũ theo nhu cầu thực tế tại đơn vị, trong năm học 2018-2019, ngành giáo dục TPHCM đã phân cấp tuyển dụng nhân sự cho 2 trường THPT chuyên là Trần Đại Nghĩa và Lê Hồng Phong.

Không lo thiếu nguồn tuyển giáo viên ảnh 2 Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (một trong 2 đơn vị THPT được giao quyền tự chủ tuyển dụng) trong buổi tập thể dục Aerobic. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Theo lộ trình, năm học 2019-2020 sẽ tiếp tục mở rộng đối với các trường có lớp chuyên, trường thực hiện mô hình tiên tiến, hội nhập và đến năm học 2020-2021 thực hiện ở tất cả trường THPT công lập. Tuy nhiên, theo giải thích của đại diện Sở GD-ĐT TPHCM, việc triển khai và tổ chức thực hiện cần thận trọng, có lộ trình, trong quá trình thực hiện có sơ kết rút kinh nghiệm, trao đổi, bàn bạc trước khi nhân rộng.

Tin cùng chuyên mục