Không lo thiếu hàng, tăng giá

Tại phía Nam, các doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thịt, trứng gia cầm… đều khẳng định đang sản xuất hết công suất để phục vụ thị trường, không có tình trạng thiếu hàng hay tăng giá đột biến.
Nguồn hàng sản xuất của các doanh nghiệp được khẳng định đủ và công suất tăng hơn ngày thường
Nguồn hàng sản xuất của các doanh nghiệp được khẳng định đủ và công suất tăng hơn ngày thường

Tăng nguồn cung hàng thiết yếu

Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong giai đoạn ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (Covid-19) gây ra, Sở Công thương TPHCM đã phối hợp với các sở ngành, DN xây dựng kế hoạch tạo nguồn, dự trữ và cung ứng hàng hóa, tránh nguy cơ gây mất ổn định thị trường; trước mắt sẽ tiếp tục chuẩn bị nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong quý 1-2020 tăng 30% - 40% so với lượng thực hiện cùng kỳ. 

Theo phản ánh của các DN sản xuất cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, các năm trước, sau tết tiêu thụ hàng hóa thường chậm nên DN chỉ sản xuất khoảng 50% công suất. Tuy nhiên, năm nay do biến động thị trường, người tiêu dùng lo dịch Covid-19 nên có tâm lý tích trữ hàng hóa, dẫn đến khan hiếm cục bộ một số mặt hàng như mì tôm, nui, thực phẩm chế biến sẵn… Để đảm bảo đủ cung cầu theo chủ trương của TPHCM, các DN đều có kế hoạch chủ động tăng công suất, để đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời lo nguồn nguyên liệu không gián đoạn và vẫn phải đảm bảo chất lượng. 

Ông Lưu Huỳnh, Quản lý Marketing Công ty Meizan CLV (thành viên của Wilmar Group), cho biết trong vài tuần qua, nhu cầu mua các sản phẩm mì và nui đã tăng đột biến nên DN này đang huy động nguồn lực và chạy hết công suất để đáp ứng nguồn hàng cung ứng ra thị trường. “Theo ước tính của chúng tôi, chỉ tính trong tháng 2-2020, lượng hàng sản xuất, cung ứng của Meizan CLV tăng tới 300%. Về nguồn nguyên liệu sản xuất, hiện vẫn đủ để chúng tôi vận hành”, ông Huỳnh chia sẻ.

Các DN sản xuất hàng thiết yếu khác như VISSAN, Ba Huân, San Hà… cũng khẳng định đáp ứng đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường. Trong bối cảnh hàng bán “đắt như tôm tươi”, các DN sản xuất chẳng những cam kết không tăng giá mà còn bắt tay với nhà phân phối giảm giá cho nhiều mặt hàng thiết yếu. Đơn cử, Meizan CLV đang giảm 15% - 20% cho các sản phẩm mì trứng, nui…; VISSAN giảm giá 20% cho 22 sản phẩm thực phẩm chế biến gồm đồ hộp, xúc xích tiệt trùng, thịt nguội, giò các loại, Jambon 3 bông mai, heo kho trứng 397g, gà hầm 150g, bò xốt cà 170g, pate gan hảo vị 150g, gà kho sả 3 bông mai 150g, gà nấu đậu 280g, giò bò 500g, giò lụa Hương Việt 500g, giò lụa lá chuối 500g…

Riêng với thịt heo, theo chỉ đạo của Thủ tướng, các DN lớn như CP, Dabaco… đã cùng nhau giảm giá, kéo giá xuống ít nhất ở mức 75.000 đồng/kg; đồng thời cho biết với tình hình tái đàn tại nhiều địa phương như hiện nay thì đến cuối năm 2020, giá thịt heo sẽ trở về mức cũ như thời điểm chưa có dịch tả heo châu Phi.

Tây Nam bộ dồi dào hàng thiết yếu

Theo ngành công thương các tỉnh khu vực Tây Nam bộ, nguồn hàng hóa thiết yếu ở những địa phương này hiện rất dồi dào, không có chuyện thiếu hàng như tâm lý nhiều người dân lo lắng. Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, khẳng định từ khi dịch Covid- 19 xảy ra tới nay, tỉnh không ghi nhận tình trạng tăng giá bán hàng hóa thiết yếu. “Chúng tôi chỉ ghi nhận thiếu hụt khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn do sức mua của người tiêu dùng tăng đột biến. Tuy nhiên, các siêu thị như Co.opmart đang cam kết sẽ có đủ khẩu trang bán phục vụ cho người dân trên địa bàn”, ông Đức cho biết.

Tại Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Thậm, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh, cho biết do trước tết các DN tăng nguồn hàng dự trữ và sau tết sức mua còn yếu nên không có chuyện thiếu hàng. Thêm vào đó, nhiều mặt hàng do tỉnh tự cung tự cấp được (lương thực, thủy sản, nông sản) nên nguồn hàng và giá cả khá ổn định. Cá biệt, có một số sản phẩm như thanh long, dưa hấu… do tắc lưu thông từ phía Trung Quốc nên tỉnh đang phải đẩy mạnh tiêu thụ tại một số tỉnh, thành phố lân cận. 

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như (đơn vị sản xuất cá thác lác tại Hậu Giang), bình quân mỗi ngày hợp tác xã này vẫn thực hiện thu mua khoảng 1,5 tấn cá thác lác nguyên liệu của 11 hộ xã viên và 8 hộ liên kết để sản xuất cá rút xương, cá tẩm gia vị, cá muối sả ớt, chả cá cốm trứng muối… Những sản phẩm này vẫn đang được cung ứng đều đặn cho các siêu thị lớn như Tứ Sơn (An Giang), Vinmart, Lotte Mart tại 20 tỉnh, thành phố trên cả nước. 

Tương tự, ở các địa phương khác (Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp…), nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ của ngành chức năng mà thị trường hàng hóa được ghi nhận khá dồi dào, giá cả ổn định. Ngành công thương các tỉnh này  khẳng định, hiện DN đang sản xuất đều đặn, đầu vào ổn định, nên nếu xảy ra trường hợp ở địa phương khác khan hiếm, sẽ có sự trao đổi hàng hóa để tránh tăng giá cục bộ.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tới nay, rất nhiều trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi doanh số bán ra sụt giảm tới 40% - 70% do người tiêu dùng lo ngại dịch bệnh, tránh đến nơi đông người. Theo ghi nhận của chúng tôi, thời điểm này chỉ có một số siêu thị vẫn duy trì mức doanh thu ổn định. Hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.op Food, Co.opXtra của nhà bán lẻ Saigon Co.op có mức tăng trưởng cao trong những ngày qua. Theo nhà bán lẻ này, mặc dù lượng khách đến các siêu thị của Saigon Co.op không cao như thường lệ, nhưng giá trị hóa đơn của khách hàng lại tăng mạnh hơn. Các mặt hàng tiêu thụ mạnh thời điểm này vẫn là hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng giúp tăng sức đề kháng và có lợi cho sức khỏe. 
Tương tự, siêu thị Emart Gò Vấp (TPHCM) ghi nhận tăng trưởng ở mức 2 con số mỗi ngày, thậm chí có ngày tăng tới 40%. Theo đại diện của siêu thị này, doanh số tăng mạnh chủ yếu tập trung vào thực phẩm tươi sống, đồ khô, mì gói, đường, bột ngọt, nước mắm, gạo, chất tẩy rửa (chủ yếu là nước rửa tay, nước sát khuẩn) do người tiêu dùng mua để tích trữ. Các ngành hàng khác như điện máy, thời trang hầu như không bán được hàng.  

Tin cùng chuyên mục