Không lo đói cái bụng

Bạn tôi sau thời gian ngắn ở đây đã đúc rút ra “chân lý” đó. Còn với tôi, một người có thâm niên hơn 10 năm sống ở thành phố, cũng không có gì để nói thêm về sự thật hiển nhiên ấy. Quả nhiên, không cần sống lâu, chỉ cần một lần đến Sài Gòn - TPHCM cũng sẽ thấy đồ ăn thức uống nơi đây phong phú và đa dạng như thế nào. Người ta có thể ăn uống mọi lúc mọi nơi nhưng với riêng tôi, thú vị nhất vẫn là bữa xế.
Gỏi khô bò ở công viên Lê Văn Tám trở thành bữa ăn xế hấp dẫn của nhiều người
Gỏi khô bò ở công viên Lê Văn Tám trở thành bữa ăn xế hấp dẫn của nhiều người

Theo lẽ thường, có 3 bữa ăn chính trong ngày là sáng, trưa, tối. Nhưng ở Sài Gòn - TPHCM còn có thêm một bữa ăn là bữa chiều, hay còn gọi là bữa xế. Tôi đã từng đến nhiều nơi trên dải đất hình chữ S, nhưng dường như rất ít nơi nào có bữa xế đầy màu sắc lẫn phong vị như ở thành phố phương Nam này. Trong số những đồ ăn thuộc bữa xế, bánh mì là thứ mang tính “thân thiện” và phổ biến nhất. Có lẽ vì dễ ăn lại rẻ, nên bánh mì không chỉ được lựa chọn cho những bữa xế mà còn là thức lót dạ vào mỗi sáng hay cũng có thể trở thành bữa trưa của nhiều người. Ngoài bánh mì, trong danh sách đồ ăn xế còn có súp cua, bánh chuối nướng, bột chiên, bánh bò, gỏi cuốn, bò pía, phá lấu, bánh bèo…

Những món ăn đơn giản, chế biến nhanh đã tự làm nên thương hiệu cho mình. Để rồi, nhắc đến gỏi khô bò người ta sẽ phải đến công viên Lê Văn Tám hay số 76 đường Nguyễn Văn Thủ (quận 1). Cũng không thể không nhắc tới bánh tráng trộn chú Viên ở 38 Nguyễn Thượng Hiền (phường 5, quận 3); bột chiên ở 277 Võ Văn Tần (phường 5, quận 3) hay hẻm 371 Hai Bà Trưng (phường Tân Định, quận 1); súp cua ở 210 Vạn Kiếp (phường 3, quận Bình Thạnh); phá lấu ở khu vực Chợ Lớn…

Và nhắc đến bữa xế không thể không nhắc đến những loại chè gây nhớ cho những ai một lần thưởng thức. Không chỉ các loại chè của Nam bộ mà còn có chè từ Thái Lan, Singapore, Campuchia… Không quá lời khi nói rằng, TPHCM là “vương quốc” của các loại chè. Có lẽ một phần vì chè là thứ giải nhiệt “tuyệt cú mèo” nhất.

Dễ nhận thấy, đa phần các tiệm ăn xế đều ở trên vỉa hè. Và khi dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, nhịp sống thường ngày của thành phố trở lại, trong đó có những hàng ăn xế. Điều đó trở thành niềm vui chung của người bán lẫn khách hàng. Bữa ăn xế thường diễn ra từ 14 giờ đến 18 giờ chiều. Gọi là ăn xế có lẽ vì nó không trở thành món ăn trong bữa chính mà mang tính nhẹ nhàng, vừa đủ, không làm quá no, ăn chủ yếu vì vui miệng. Vì lẽ đó, “thượng đế” của những hàng ăn xế phần nhiều là dân văn phòng, rồi đến du khách, thỉnh thoảng lại có những người bạn cùng đi với nhau chỉ bởi “ăn cho đỡ nhớ”.

Bữa xế hôm đó, tôi gặp chú Chín (60 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) ở hàng bánh mì ven đường. Chú hành nghề xe ôm, chở khách xong rồi ghé vào gọi một ổ bánh mì trứng: “Trưa ăn rồi đó chớ, mà buồn miệng gọi một ổ ăn chơi, lại có sức để chiều chở khách tiếp”.

Có một điều đặc biệt khi nói về bữa xế ở TPHCM, là bữa ăn “phụ” của thực khách nhưng là bữa chính của người bán. Vốn dĩ những món ăn thuộc về bữa xế chỉ dành cho ăn vặt, vậy nên hầu như người ta chỉ bán vào giờ xế, không “lấn” sang buổi sáng, trưa hay tối. Có khi, cũng là địa điểm ấy, nhưng sau giờ xế lại có một hàng ăn khác mọc lên. Nhưng khi đó, những thực khách của các hàng ăn xế đã trở về nhà, cùng quây quần bên mâm cơm tối với gia đình.

Tin cùng chuyên mục