Không lấy phí bảo vệ môi trường “bù” cho thất thoát nước sạch

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) vừa có thông báo khẳng định, đơn vị chỉ thu hộ phí bảo vệ môi trường với nước thải. Toàn bộ số phí này đều được nộp về ngân sách nhà nước. Sawaco không được phép giữ lại và càng không được dùng để “bù” vào chi phí sản xuất do thất thoát nước sạch.

Theo Sawaco, đơn vị đang thực hiện thu tiền sử dụng nước của khách hàng trên cơ sở áp dụng giá nước sinh hoạt theo Quyết định 25/2019 của UBND TPHCM về ban hành giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố lộ trình 2019-2022. Đơn giá này không bao gồm phí bảo vệ môi trường (đối với nước thải sinh hoạt). Trong khi đó, liên quan đến việc thu phí bảo vệ môi trường (theo Nghị định 25/2013 về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải và Quyết định 24/2016 của UBND TPHCM về thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên địa bàn TPHCM), Sawaco chỉ là đơn vị thu hộ.

Ngoài ra, thất thoát nước (hao hụt nước) gắn liền với hoạt động sản xuất và cung cấp nước sạch, nhất là quá trình chuyển tải nước sạch từ nhà máy đến từng nhà khách hàng trên quãng đường dài, địa bàn rộng lớn, với hệ thống đường ống cũ. Vì thế, hao hụt là không thể tránh khỏi. Nhà nước cũng cho phép cơ cấu lượng nước hao hụt vào giá tiêu thụ nước sạch, được quy định tại Thông tư liên tịch 75/2012 của liên bộ Tài chính - Xây dựng và NN-PTNT (về hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn). Tỷ lệ nước hao hụt cụ thể do UBND cấp tỉnh quy định phù hợp với thực tế, được đưa vào mức khoán tính trong giá tiêu thụ nước sạch với tỷ lệ tối đa không được vượt quá 32% (với mạng cấp nước đã sử dụng từ 10 năm trở lên); không quá 23% (với mạng cấp nước đã sử dụng dưới 10 năm)…

Thông báo của Sawaco khẳng định, đơn vị luôn nỗ lực chỉ đạo, thực hiện giảm thất thoát nước và đạt kết quả nhanh hơn so với quy hoạch cấp nước TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, đến năm 2020, tỷ lệ thất thoát đạt dưới 20%, trong khi quy hoạch cấp nước TPHCM đến năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ xác định tỷ lệ này vào năm 2015 là 32% và năm 2025 là 25%.

Theo Sawaco, việc tính toán tỷ lệ thất thoát nước và cơ cấu vào phương án lộ trình giá nước của Sawaco thực hiện phù hợp với các quy định của pháp luật và được UBND TPHCM phê duyệt. Tỷ lệ thất thoát nước được cơ cấu vào giá nước cũng là cơ sở tạo nguồn lực để đơn vị cấp nước thực hiện kế hoạch giảm thất thoát nước.

Tin cùng chuyên mục