Không gian mới từ địa dư cũ

“Nhà Bè nước chảy chia hai. Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”. Hơn 300 năm trước, những lưu dân có lẽ đã đứng nơi… Mũi Đèn đỏ - quận 7 ngày nay - để từ ngã ba sông ấy mà định đoạt cuộc khai phá, mở cõi trời Nam. Hơn 300 năm sau, khi trích một phần đất phía Bắc của huyện Nhà Bè, trong đó có thị trấn Nhà Bè và 5 xã cận lân, quận 7 đã được lập thành, phát triển có lẽ cũng là nhờ trên nền của sự chung - riêng vốn đã gắn liền từ thuở khai thiên lập địa. 

Cho nên, nhìn lại 25 năm hình thành - phát triển và tính dự phóng tương lai, chúng ta không thể tách ra khỏi không gian liên kết, môi trường tương tác giữa quận 7 và Nhà Bè, thậm chí cần xem đó là yếu tố địa - kinh tế tạo bệ phóng phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía Nam TPHCM.

Một trong những khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới, nhằm “Tăng cường phát triển bền vững cho TPHCM” (báo cáo được công bố vào tháng 11-2021), thành phố cần đảm bảo quy hoạch phát triển không gian với chú trọng “cân nhắc không gian xanh, tính kết nối và mật độ”. Kết nối một cách hợp lý, đồng bộ, hữu dụng giữa hệ thống hạ tầng thủy - bộ, giữa nội - ngoại thành; ngoại thành - đường vành đai - đường liên thành phố - các tỉnh thành lân cận. Kéo theo chính sách phân bổ, đầu tư, phát triển từ hệ thống giao thông, sản xuất, giáo dục - y tế các loại hình dịch vụ thương mại - xã hội tương thích.

Nhìn từ mối liên kết của quận 7 - Nhà Bè, không chỉ và không nên gói gọn trong địa giới hành chính của hai quận/huyện này mà dễ dàng nhận ra dư địa của không gian phát triển cả về mặt nền tảng văn hóa - lịch sử trong quá khứ lẫn ưu thế, tiềm năng đặc thù, đột phá để hội nhập mạnh mẽ trong tương lai.

Rõ ràng, khi “cán cân” có vẻ thiên về quận 7 - Bình Chánh, những lợi thế của mỗi địa phương dù đã phát huy những yếu tố tích cực thì vẫn chưa khai phá hết tiềm năng, nếu không muốn nói là có những chênh lệch khá rõ. Trong khi, tính chất cửa ngõ giao thông thủy và kinh tế hướng biển vốn được hình thành qua hệ thống sông Soài Rạp - rạch Bến Nghé (xưa) và trục “dẫn đường” ngày nay bao gồm Cần Giờ - Nhà Bè - quận 7.

Với điểm sáng mô hình khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7 đã hội đủ các điều kiện cần để phát triển thành một đô thị thương mại - dịch vụ, với trọng tâm là các ngành y tế - giáo dục chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Thực tế, qua 25 năm, đây là một trong số hiếm quận/thành phố trung ương đạt tính hoàn chỉnh về mọi mặt: từ cơ sở hạ tầng đến mức độ đô thị hóa đạt sự đồng bộ cao, chất lượng sống tốt. Cơ cấu kinh tế chuyển đổi gần như hoàn toàn theo hướng công nghiệp - dịch vụ (nông nghiệp chiếm 1%) với mạng lưới giao thông - cảng biển, hệ thống sản xuất - công nghiệp, phức hợp thương mại - dịch vụ, hệ thống y tế - giáo dục quốc tế, nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo… 

Và đó được xem là cú về đích - giai đoạn 1 của quận 7 nói riêng, của khu Nam TPHCM nói chung. Quận 7 vẫn cứ tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hạ tầng, dịch vụ trong hệ thống quy hoạch - phát triển vốn có của nó - ở điểm mốc năm thứ 25. Nhưng, từ một phần tư thế kỷ ấy trở đi, dư địa của vùng đất trù phú phía Nam thành phố này cần được đặt để trong tầm nhìn rộng hơn, lớn hơn (vốn dĩ đã “sâu hơn” từ trong lịch sử) trong tính kết nối đa vùng, đa chiều, đa dạng. Ở đó, có thể hướng tới một đô thị thông minh sinh thái - một phiên bản nâng cấp của đô thị y tế - giáo dục - văn hóa đủ khả năng cạnh tranh quốc tế trong kỷ nguyên công nghệ.

Đòn bẩy để “nâng bổng” đô thị quận 7 lên như đã nói, chính là những lợi thế có sẵn từ Nhà Bè. Khi quỹ đất - chiếc áo tự nhiên, được bố trí, mở rộng hơn cho quận 7 đồng nghĩa với việc đa dạng hóa kinh tế, có thêm các lựa chọn để phát triển. Ngoài các cụm cảng sông, cảng biển, khu công nghiệp thì tích hợp quỹ đất ven sông của Nhà Bè, nơi còn giữ lại được những mảng xanh tương đối lớn để đầu tư phát triển thành các mũi nhọn y tế - giáo dục đạt chất lượng cạnh tranh quốc tế. Với sự trợ lực của hệ sinh thái và môi trường xanh của Nhà Bè, các phương thức đổi mới sáng tạo của đô thị quận 7 sẽ đạt chuẩn phát triển bền vững. 

Đặc biệt, như đã nói, khi quận 7 không có hành lang trực tiếp ra biển và thiếu liên kết trực tiếp với các tỉnh thành ĐBSCL để thúc đẩy mạng lưới sản xuất dựa trên liên kết vùng và tiếp cận các hành lang hàng hải quốc tế thì Nhà Bè là đường dẫn địa lý tự nhiên phù hợp bậc nhất. Từ cảng Hiệp Phước và các dự án giao thông mới, kết nối với Long An để đi khắp vùng Nam bộ với dự án đường Long Hậu (huyện Nhà Bè) - ĐT826E (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) - ĐT826C (huyện Cần Giuộc)…  

Và tất nhiên, việc hình thành không gian phát triển quận 7 - Nhà Bè sẽ thúc đẩy sự phát triển toàn diện của “vùng Nhà Bè mở rộng”, tiền đề cho việc hình thành một thành phố Nam TPHCM trong tương lai sắp tới.

Tin cùng chuyên mục