Không được chọn cách “dễ ta, khó người”

Ngày 4-6, UBND tỉnh Đồng Nai có công văn về việc từ 0 giờ ngày 5-6 áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hoặc tại cơ sở lưu trú 21 ngày đối với tất cả người từ TPHCM về/đến Đồng Nai và tự trả phí; trong thời gian cách ly phải xét nghiệm 2 lần và cũng phải tự trả phí xét nghiệm.
Kiểm tra thân nhiệt cho người đi đường tại chốt kiểm soát dịch trên Quốc lộ 1K phường Hóa An, TP Biên Hòa
Kiểm tra thân nhiệt cho người đi đường tại chốt kiểm soát dịch trên Quốc lộ 1K phường Hóa An, TP Biên Hòa

Quyết định này khiến UBND TPHCM phải có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị xem xét, có phương án kiểm soát hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng hóa, di chuyển của công nhân, nhân viên, người lao động và chuyên gia từ tỉnh Đồng Nai đến TPHCM và ngược lại để làm việc. Trước đó, khi tỉnh Hải Dương bùng phát dịch Covid-19 phải thực hiện lệnh phong tỏa, một số địa phương lân cận, trong đó có Hải Phòng, cũng đã ra quyết định phòng chống dịch quá “chặt chẽ”, mang tính “ngăn sông cấm chợ” khiến Hải Dương phải “kêu cứu” lên Chính phủ. 

Chính phủ đã hơn một lần yêu cầu các địa phương khi áp dụng chỉ thị 15, 16 về giãn cách xã hội phải báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch để có quyết định hợp lý nhất, không được “ngăn sông cấm chợ”. Nhưng thực tế một số nơi đã áp dụng những biện pháp cứng nhắc, cực đoan, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, có nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn. Ngày 5-6, Thủ tướng Chính phủ đã phải tiếp tục có công điện yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần trao đổi, thống nhất với các địa phương có liên quan để thống nhất áp dụng các biện pháp trong quản lý hoạt động vận tải (kể cả vận chuyển hành khách, công nhân, hàng hóa, nguyên liệu sản xuất…), bảo đảm kiểm soát nguồn lây bệnh nhưng không “ngăn sông cấm chợ”, không gây ách tắc hay ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia xử lý đại dịch Covid-19 hiệu quả nhất với tỷ lệ người nhiễm và tử vong thấp nhất. Về kinh tế, Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi tăng trưởng dương trên thế giới trong thời gian xảy ra đại dịch. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nêu rõ, trong chống dịch chúng ta không lựa chọn giải pháp dễ làm nhưng lại ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta chỉ thực hiện phong tỏa ở vùng có dịch, giãn cách ở những vùng có nguy cơ cao và vẫn đảm bảo duy trì cuộc sống bình thường bằng phương pháp khoanh vùng, cách ly, truy vết, dập dịch.

Phòng chống dịch vẫn rất cần sự quyết liệt, chủ động tấn công, sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng, đồng tình, trách nhiệm của toàn thể nhân dân. Nhưng chúng ta cũng đừng quên chống dịch phải với phương châm “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Do đó, người đứng đầu địa phương cần vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả trong phòng chống dịch, nhất là việc phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội; cần tránh cho được cả 2 khuynh hướng là chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi chưa có dịch và hoang mang, lo sợ, hốt hoảng, mất bình tĩnh khi có dịch, dẫn đến việc đưa ra các quyết định gây tác động không tốt đến xã hội. 

Phòng chống dịch không đi đôi với phát triển kinh tế sẽ không có đủ nguồn lực để duy trì “cuộc chiến”, vốn được nhận định là còn cam go, kéo dài. Tính mạng, sức khỏe của người dân là trên hết, là quan trọng nhất, song đi cùng với đó phải nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế. Không nên và không được lựa chọn giải pháp “dễ ta, khó người”, không tốt cho lợi ích chung. Đóng cửa hoàn toàn trong phòng chống dịch thì dễ nhưng vừa phòng chống dịch, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh mới cần bản lĩnh, trí tuệ của người lãnh đạo.

Tin cùng chuyên mục