Không dùng vốn của WB, TPHCM dùng vốn ngân sách cho dự án quản lý ngập nước

Ban đầu, các gói thầu sử dụng nguồn vốn của WB đều được thực hiện đấu thầu rộng rãi quốc tế, tuy nhiên, do những khác biệt quan điểm trong tiến hành dự án, nên UBND TPHCM và đại diện WB đồng thuận tiến hành các thủ tục để kết thúc dự án đối với nguồn vốn được tài trợ từ WB.

Chiều 19-12, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM ( gọi tắt Trung tâm) cho biết, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến chấp thuận cho Trung tâm tiếp tục thực hiện và hoàn thành các hạng mục công việc dở dang thuộc dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP bằng nguồn vốn đối ứng từ ngân sách TP.

Theo đó, các hạng mục thực hiện gồm khảo sát thiết kế bản vẽ thi công và dự toán kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên; thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công và dự toán kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên; rà phá bom mìn và vật liệu nổ. Trung tâm chịu trách nhiệm về việc hoàn thành, sử dụng các số liệu đã nghiên cứu để làm cơ sở chuẩn bị cho việc kêu gọi đầu tư dự án theo quy định Nhà nước.

Không dùng vốn của WB, TPHCM dùng vốn ngân sách cho dự án quản lý ngập nước ảnh 1 Thi công công trình chống ngập có tính yếu tố biến đổi khí hậu trên kênh Tẻ, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
UBND TPHCM giao Sở NN-TPNT hoàn thành việc thẩm định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán các hạng mục xây dựng kè bờ kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên nhằm đảm bảo hiệu quả về kinh tế kỹ thuật, phù hợp với điều kiện địa chất trong khu vực và đảm bảo không vượt tổng mức đầu tư của dự án đã được phê duyệt tại Quyết định số 2319/QĐ-UBND ngày 10-5-2016 của UBND TP.

TP giao Sở KH-ĐT phối hợp Sở Tài chính thực hiện bố trí vốn theo kế hoạch cho dự án sau khi hoàn thành các hạng mục công việc còn lại.

Theo kế hoạch ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư hơn 436,97 triệu USD, sử dụng bằng nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn đối ứng từ ngân sách TP. Dự án được thực hiện theo 2 giai đoạn, giai đoạn chuẩn bị (2013 - 2017) và giai đoạn thực hiện đầu tư (2017 - 2021).

Theo Trung tâm, dự án sẽ cải thiện năng lực trữ nước và thoát nước của kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên và các kênh nhánh; hoàn thiện hệ thống chống ngập và thoát nước cho khu vực quận Gò Vấp (thuộc lưu vực Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên).

Đồng thời, dự án sẽ xây dựng và nâng cao năng lực và thể chế quản lý tổng hợp rủi ro ngập nước, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường lưu vực Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên.

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ góp phần cải thiện đời sống và tăng thu nhập cho gần 2 triệu người dân trên địa bàn 8 quận, huyện của TPHCM.

Dự án bao gồm 3 hợp phần chính, theo đó, hợp phần thứ nhất sẽ tăng cường năng lực của Trung tâm để quy hoạch và thực hiện tốt hơn các biện pháp quản lý rủi ro ngập nước, bảo vệ chất lượng nước sông và sức khỏe của người dân sống dọc các kênh đề xuất.

Hợp phần thứ 2 sẽ thực hiện các giải pháp đầu tư xây dựng các công trình như 2 cống kiểm soát triều Vàm Thuật và Nước Lên; cải tạo 31,7 km kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên; xây dựng hệ thống cống bao chính dài 9 km ở quận Gò Vấp…

Hợp phần thứ 3 cung cấp kinh phí cho các hoạt động quản lý dự án và các chi phí khác.

Không dùng vốn của WB, TPHCM dùng vốn ngân sách cho dự án quản lý ngập nước ảnh 2 Công trình cống kiểm soát triều Phú Định, quận 8 đang được thi công. Ảnh: QUỐC HÙNG
Ban đầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án Quản lý rủi ro ngập nước cho các gói thầu thực hiện trong 12 tháng đầu tiên của dự án được UBND TPHCM phê duyệt tại Quyết định số 4670/QĐ - UBND ngày 7-9-2016.

Theo kế hoạch này, dự án có 26 gói thầu (14 gói thầu tư vấn và 12 gói thầu xây lắp), với tổng trị giá các gói thầu lên tới 221,2 triệu USD.

Thời gian bắt đầu lựa chọn nhà thầu hầu hết các gói thầu diễn ra vào quý III-2016 và quý I-2017.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, tới nay, chỉ có một số gói thầu tư vấn sử dụng nguồn vốn đối ứng trong nước được thực hiện đấu thầu. Tổng giá trị các gói thầu tư vấn là 22,8 triệu USD, song chỉ có 2 gói thầu sử dụng vốn đối ứng của TP.

Đó là, gói thầu tư vấn đo đạc lập bản đồ hiện trạng dự án phục vụ công tác giải phóng mặt bằng (trị giá 400 triệu đồng), được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu; gói thầu tư vấn pháp lý quản lý dự án, (trị giá 1,5 tỷ đồng) thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.  

Đáng chú ý, theo kế hoạch ban đầu, các gói thầu sử dụng nguồn vốn của WB đều được thực hiện đấu thầu rộng rãi quốc tế, với phương thức 1 giai đoạn, 2 túi hồ sơ và việc lựa chọn nhà thầu lẽ ra đã được tiến hành từ quý I-2017.

Tuy nhiên, do những khác biệt quan điểm trong tiến hành dự án, nên UBND TPHCM và đại diện WB đồng thuận tiến hành các thủ tục để kết thúc dự án đối với nguồn vốn được tài trợ từ WB.

Do tính chất quan trọng của dự án, nên UBND TP sẽ thực hiện dự án bằng nguồn ngân sách của TP, kết hợp với các hình thức đầu tư khác.

Tin cùng chuyên mục