Không dễ “úp sọt” nhà đầu tư

Thị trường chứng khoán thời gian qua phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiếng nói của nhà đầu tư ngày càng có trọng lượng hơn, đã góp phần làm minh bạch thị trường. 

Tuy nhiên, mới đây, rộ lên thông tin cổ phiếu HAG của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE (sàn TPHCM), dẫn tới giá cổ phiếu này có phiên bị giảm sàn, nhiều phiên sau đó tiếp tục giảm sâu.

Theo Nghị định 155/2020 của Chính phủ hướng dẫn Luật Chứng khoán, HAG đã lỗ liên tiếp 3 năm nên cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết trên sàn HoSE và buộc phải chuyển qua sàn UPCoM. 

Thông tin nói trên khiến thị trường chứng khoán xôn xao, và một nhóm nhà đầu tư cổ phiếu HAG đã đồng lòng ký “đơn kêu cứu” gửi các cơ quan chức năng, trước nguy cơ cổ phiếu này bị hủy niêm yết. Các cổ đông khiếu nại cho rằng, việc HAG lỗ liên tiếp năm 2017- 2019 nhưng đến năm 2021 mới hồi tố là chưa đúng quy định pháp luật về thị trường chứng khoán. Mặt khác, khi báo cáo tài chính hồi tố do HAG công bố tháng 4-2021, vì sao lúc đó HoSE không hủy niêm yết mà đến nay, sang năm 2022 mới hủy? Cổ đông hiện tại thấy HAG có lãi mới mua cổ phiếu, không liên quan đến hoạt động quá khứ của công ty. Trong đơn, nhóm cổ đông cũng cho rằng, nếu HoSE ra quyết định hủy niêm yết HAG lúc này thì là “úp sọt” nhà đầu tư chứ không phải bảo vệ nhà đầu tư.

Tiếng nói cổ đông cũng mạnh mẽ ở trường hợp “bán chui” cổ phiếu FLC (Công ty cổ phần Tập đoàn FLC). Ngày 10-1, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC đã bán chui 74,8 triệu cổ phiếu. Ngay buổi chiều và đêm đó, hàng loạt nhà đầu tư của FLC đã phản ánh trên các diễn đàn, rồi báo chí đưa tin liên tiếp hành vi này. Lập tức, các cơ quan chức năng vào cuộc, phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Quyết, hủy toàn bộ giao dịch, trả lại tiền cho nhà đầu tư. Mặc dù cú “úp sọt” này để lại bao thiệt hại và gây phẫn nộ cho cổ đông, nhưng cơ bản các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý kịp thời, đem lại niềm tin cho thị trường. 

Như vậy, một bên là cổ đông lên tiếng đấu tranh với cơ quan quản lý nhà nước để bảo vệ mình (trường hợp HAG), còn một bên cổ đông kêu gọi cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc để bênh vực mình (trường hợp FLC). Qua các sự việc nêu trên cho thấy, để tham gia trên thị trường chứng khoán, chủ doanh nghiệp phải làm ăn chân chính, chịu trách nhiệm trong việc công bố thông tin; cơ quan quản lý nhà nước cần kiên quyết xử lý, tránh gây thiệt hại cho nhà đầu tư, dễ dẫn đến kiện tụng. Có như vậy, thị trường chứng khoán mới phát triển ổn định, bền vững.

Tin cùng chuyên mục