Không để thiếu hàng hóa thiết yếu

Đó là khẳng định của các doanh nghiệp (DN) sản xuất lương thực thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cũng như hệ thống phân phối trong nước. Nhiều chính sách giữ giá, giảm giá và cung ứng hàng đã được các DN, hệ thống phân phối triển khai. Vấn đề còn lại là các cơ quan chức năng cần chấm dứt tái diễn “ngăn sông cấm chợ”, đảm bảo hàng hóa được thông thương giữa các tỉnh thành. 

Nguồn cung hàng hóa dồi dào

Liên quan đến vấn đề này, nhiều DN cho biết, rút kinh nghiệm từ những lần bùng phát dịch trước đây, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thiết yếu tăng đột biến trong thời gian nhất định, gây thiếu hụt cục bộ nguồn cung. Các DN đã chuẩn bị kỹ hơn cho những lần ứng phó dịch bùng phát đợt sau.

Theo đó, nguồn hàng thiết yếu luôn được các DN duy trì tỷ lệ dự trữ từ 30%-40%. Đội ngũ nhân viên túc trực để lên hàng cho các quầy kệ siêu thị, cửa hàng cũng được bố trí linh động hơn nhằm tránh tình trạng để quầy kệ bị trống, gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng. 

Đại diện Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết, kể từ đầu năm 2021 đến nay, dịch bệnh đã có những diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt tại TPHCM phải thực hiện giãn cách xã hội. Trước tình hình đó, công ty triển khai nhiều giải pháp trong kinh doanh, tăng cường nhân lực, đảm bảo cung ứng hàng hóa đầy đủ, kịp thời cho hệ thống phân phối khi có yêu cầu đột xuất, đảm bảo nhu cầu của người dân TP nói riêng và cả nước nói chung.

Không để thiếu hàng hóa thiết yếu ảnh 1 Hàng hóa thiết yếu luôn được hệ thống Saigon Co.op ưu tiên, vận chuyển đến từng hộ gia đình

Hiện nay, công ty đã và đang duy trì tỷ lệ sản phẩm dự trữ trong kho là 300 tấn thực phẩm tươi sống đủ đáp ứng nhu cầu thị trường khoảng 7 ngày. Riêng thực phẩm chế biến, duy trì mức tồn kho 600 tấn, đủ đáp ứng cho nhu cầu thị trường khoảng 8 ngày. Ngoài ra, công ty dự trữ nguyên liệu để có thể duy trì sản xuất từ 4-5 tháng đối với nhóm hàng xúc xích tiệt trùng, đồ hộp, chế biến đông lạnh. Đối với nhóm hàng thực phẩm chế biến còn lại, nguyên liệu sản xuất phụ thuộc vào lượng giết mổ gia súc, gia cầm hàng ngày. Trường hợp bị cô lập do dịch bệnh thì công ty vẫn đảm bảo năng lực sản xuất bằng khoảng 50% so với bình thường. 

Trước đó, ông Trần Lâm Hồng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, đơn vị đã chủ động làm việc với các nhà cung ứng hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm để gia tăng nguồn hàng dự trữ, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung phục vụ người dân. Cùng với những chính sách tăng nguồn cung hàng hóa, việc giao hàng cũng được các hệ thống phân phối tổ chức đa dạng hơn, đáp ứng tối đa nhu cầu mua sắm của người dân.

Cũng theo ông Hồng, hiện ngoài việc mua hàng thông qua đặt hàng online, Saigon Co.op còn triển khai hỗ trợ người dân mua hàng qua Zalo hoặc điện thoại trực tiếp đến hệ thống siêu thị gần nhất để được hỗ trợ. Saigon Co.op đã công bố 47 hệ thống siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại tương ứng với 47 số điện thoại. Theo đó, chỉ cần người dân gọi điện sẽ có nhân viên Saigon Co.op đi chợ thay và giao hàng tận nơi.

Đồng thuận với giải pháp bán hàng linh hoạt trên, phía Vissan cho biết, hiện nay sản phẩm của công ty cung cấp đến người tiêu dùng thông qua trên 132 nhà phân phối, 130.000 điểm bán trên kênh truyền thống, hơn 1.000 siêu thị, cửa hàng tiện lợi và hệ thống gần 50 cửa hàng giới thiệu sản phẩm trên toàn quốc. Chính vì vậy mà trong đợt bùng phát dịch lần này tại nhiều tỉnh thành không còn xuất hiện tình trạng người dân chen lấn mua hàng. 

Gỡ khó lưu thông hàng hóa

Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực gia tăng nguồn hàng cung ứng, Hội Lương thực thực phẩm TPHCM vừa có công văn gửi lãnh đạo UBND TPHCM về việc tháo gỡ khó khăn cho DN của TP khi vận chuyển hàng hóa về các tỉnh.

Theo đó, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho biết, ngay sau khi TP áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 (một số khu vực áp dụng theo Chỉ thị 16), một số địa phương đã có những quy định gây khó khăn cho hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa của DN từ TPHCM, điển hình là tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, tình hình nhanh chóng được tháo gỡ khi có sự vào cuộc tích cực của chính quyền TPHCM.

Theo phản ánh của các DN thành viên, thời gian gần đây DN lại tiếp tục bị tắc nghẽn nghiêm trọng trong hoạt động vận chuyển hàng hóa đến một số địa phương khác. Cụ thể, tại tỉnh Bạc Liêu, UBND tỉnh đã ban hành Công văn 2175/UBND-KGVX, theo đó kể từ 0 giờ ngày 5-6-2021, áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hoặc tại cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh (người cách ly tự trả phí) 21 ngày với tất cả người từ TPHCM về/đến Bạc Liêu tính từ ngày rời khỏi TPHCM. Thậm chí, có một số DN của TP có nhà máy tại Đồng Nai có xe vận chuyển xuất phát từ Đồng Nai, lộ trình có đi ngang qua địa phận TPHCM vẫn bị áp dụng theo quy định này. 

Hiện tại các chốt kiểm tra của tỉnh Bạc Liêu, lực lượng chức năng đã áp dụng luôn biện pháp cách ly đối với cả tài xế và phụ xế vận tải hàng hóa của DN. Và nếu tài xế, phụ xế không chấp hành thì không được cho xe vào tỉnh.

Ngoài ra, các DN còn cho biết thêm, trong trường hợp tài xế, phụ xế có giấy xét nghiệm âm tính (có giá trị trong vòng 72giờ) thì chỉ được cho xe chạy ngang qua tỉnh, không được phép dừng đậu, bốc dỡ hàng hóa; trường hợp vi phạm là bị phạt và đưa đi cách ly ngay. Hay như tỉnh An Giang quy định tài xế, phụ xế có giấy xét nghiệm âm tính thì được phép dừng đậu, bốc dỡ hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, giấy xét nghiệm âm tính chỉ có giá trị trong vòng 24 giờ, thời hạn như vậy là chưa phù hợp, bởi hiện nay đều lấy chuẩn 72 giờ.

Cũng theo bà Lý Kim Chi, nếu tình trạng này không được giải quyết dứt điểm thì DN sản xuất các mặt hàng thực phẩm thiết yếu sẽ điêu đứng, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất khi không thể nhập nguyên liệu sản xuất, phân phối hàng hóa để đảm bảo an ninh lương thực thiết yếu cho người dân cả nước là vô cùng lớn.

Ông Trần Lâm Hồng cũng nhấn mạnh, nguy cơ đứt gãy nguồn cung còn phát sinh từ việc nhiều hệ thống cửa hàng phải ngưng hoạt động do có nhân viên mắc hoặc nghi mắc Covid-19. Do đó, cùng với những giải pháp đảm bảo thông thương, cơ quan chức năng cần đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine cho nhân viên bán hàng, công nhân lao động tại các DN. Đặc biệt, lãnh đạo các tỉnh thành có phương án hỗ trợ mặt bằng thiết lập cửa hàng thay thế, hỗ trợ hệ thống kho cho DN phân phối để giảm chi phí mặt bằng… tránh nguy cơ gián đoạn cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Tin cùng chuyên mục