Không để thành “trào lưu” giáo viên bỏ việc

Một trong những vấn đề “nóng” nhất của kỳ họp Quốc hội lần này là chuyện giáo viên nghỉ việc. Trong số gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc trong thời gian qua được Bộ Nội vụ báo cáo Quốc hội thì có trên 16.000 người là giáo viên.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, ngày 4-11. Ảnh: QUANG PHÚC
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, ngày 4-11. Ảnh: QUANG PHÚC

Cùng với những thảo luận, phát biểu trên nghị trường, ngay trong những cuộc trao đổi bên hành lang kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) đều cho biết, điều mà họ quan tâm nhất là vấn đề giáo viên nghỉ việc. Một lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sau khi giám sát ở địa phương đã cho biết, giáo viên mầm non 6 giờ 30 sáng có mặt ở trường, 5 giờ 30 - 6 giờ tối mới rời khỏi trường, thậm chí có hôm phụ huynh kẹt việc, cô giáo còn phải chở cả trò về nhà, nhưng lương chỉ 3,5 triệu đồng/tháng, người cao nhất cũng chỉ 7 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, lương công nhân thông thường là 7-8 triệu đồng/tháng, người tay nghề giỏi có thể đạt mức lương cả chục triệu đồng/tháng. Dù biết mọi sự so sánh là khập khiễng, nhưng chắc không ít giáo viên sẽ cảm thấy chạnh lòng.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn gửi báo cáo tới ĐB cho biết, năm học 2021-2022 có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục; trong đó, số giáo viên công lập nghỉ việc là 10.407 người, số giáo viên ngoài công lập nghỉ việc là 5.858 người; phân theo cấp học thì giáo viên mầm non nghỉ việc nhiều nhất. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là lương giáo viên chưa đủ để trang trải cuộc sống. Hiện nay, giáo viên công tác trong 5 năm đầu có thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, áp lực công việc đối với giáo viên rất lớn - phân công nhiệm vụ chưa hợp lý, thiếu khoa học; tổ chức quản lý thiếu dân chủ, nặng về áp đặt, mệnh lệnh từ trên xuống dưới - từ đó ảnh hưởng đến tinh thần làm việc, hạn chế sự sáng tạo của giáo viên. Cộng với đồng lương thấp, nhiều người sẽ lựa chọn... rời đi.

Một số ĐB lo ngại, nếu không kịp thời có chính sách, hoặc ít nhất là động thái về chính sách, sự trấn an đến từ Quốc hội, Chính phủ, Bộ GD-ĐT thì con số trên 16.000 giáo viên bỏ việc sẽ chưa dừng lại. Vì đó có thể là xu thế. Khi chưa ai dám mạnh dạn bước ra khỏi nghề giáo thì có thể còn ít người làm, nhưng khi đã có người làm, và hơn thế, có cả chục ngàn người làm thì rất dễ trở thành “trào lưu”. Và đó là điều hết sức nguy hiểm mà các cơ quan có thẩm quyền cần kịp thời có hành động cụ thể về mặt cơ chế, chính sách.

Cần sớm xây dựng Luật Nhà giáo nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, tuyển dụng, quản lý, đãi ngộ, tôn vinh… phù hợp với vai trò, vị trí quan trọng, đặc thù lao động nghề nghiệp của nhà giáo. Quốc hội, Chính phủ cũng cần cấp bách quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để tiền lương và thu nhập của viên chức giáo dục đáp ứng được nhu cầu cơ bản của cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục