Không để tái diễn nạn ăn xin

Trong thời điểm gần đến Tết Nguyên đán, trên địa bàn TPHCM lại xuất hiện nhiều người ăn xin. Vì sao tệ nạn ăn xin vẫn cứ tồn tại?

Có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan khiến vấn nạn này vẫn cứ tái diễn. Một trong những truyền thống quý báu của dân tộc ta là lòng nhân ái, không nỡ làm ngơ khi thấy một người tàn tật, có vẻ đau yếu, đói khổ đang cầu xin giúp đỡ.

Ngoài ra, trong đạo đức làm người và ý nghĩa hạnh phúc, khi ta giúp một người đang trong hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, thì lòng chúng ta cũng cảm thấy thanh thản, hạnh phúc. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy. Mặt trái của vấn đề là có nhiều kẻ lười lao động, lợi dụng lòng nhân ái của người khác để hưởng lợi, giả nhà sư, giả tàn tật cụt tay chân, giả bệnh phong lở loét toàn thân để ăn xin. Thậm chí có kẻ còn nhẫn tâm tổ chức chăn dắt người già và trẻ em để trục lợi một cách vô nhân đạo.

Không để tái diễn nạn ăn xin ảnh 1 Người ăn xin xuất hiện ở nhiều nơi trên đường phố. Ảnh: THU HƯỜNG
Trong một xã hội tiến bộ, văn minh, không thể để tiếp diễn tình trạng có những người ăn xin lang thang khắp các nơi. Cũng không thể chấp nhận sự bất công khi những người lao động cật lực chỉ nhận được thu nhập vừa phải, còn những kẻ chuyên giở những chiêu trò lừa  dối, giả tàn tật để ngửa tay xin tiền lại có thu nhập cao. Không thể để lòng tốt của con người bị lợi dụng. Ăn xin không thể là một nghề dễ kiếm tiền dành cho một số người lười lao động. Xã hội không thể có người ăn bám cũng như lợi dụng sự tử tế, lòng nhân ái của con người để trục lợi bất chính.

Không thể nhìn nạn ăn xin như “bắt cóc bỏ dĩa” mà cho rằng đây là một chuyện nan giải, rồi bỏ mặc hoặc chỉ giải quyết theo phong trào. Giải pháp căn cơ nhất là có sự tích cực vào cuộc của chính quyền cơ sở và các cơ quan chức năng liên quan, cùng sự chung sức chung lòng của toàn xã hội. Ngành LĐTB-XH phải tích cực hỗ trợ chính quyền địa phương, tiếp nhận các đối tượng ăn xin để phối hợp giải quyết. Nhằm đảm bảo an ninh trật tự, văn minh và mỹ quan đô thị trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, rất hoan nghênh việc Sở LĐTB-XH TPHCM đã yêu cầu phòng LĐTB-XH 24 quận-huyện tập trung giải quyết tình trạng người ăn xin không nơi cơ trú ổn định, sống lang thang nơi công cộng.

Cần phát huy mặt được và quyết tâm khắc phục những mặt chưa được trong chủ trương, chính sách giải quyết vấn nạn ăn xin, cũng như khắc phục những hạn chế tại các trung tâm bảo trợ xã hội trong thời gian qua, để mạnh dạn giải quyết vấn nạn ăn xin một cách căn cơ và bền vững. Tuy rằng đường còn xa, nhưng ta không đi là không thể đến.

Khi phát hiện có người ăn xin, người dân có thể điện thoại trực tiếp đến đường dây nóng của tiếp nhận thông tin về người ăn xin, sống nơi công cộng (028) 38.292.491 (Phòng Bảo trợ xã hội, giờ hành chính); 0918.115.151 (ông Võ Minh Hoàng, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội) và Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM (028) 35.533.258.

Tin cùng chuyên mục