Không để “lọt lưới” sai phạm

Ngày 16-8, sự việc bộ phim Băng vũ hỏa bị cư dân mạng phát hiện có chứa hình ảnh “đường lưỡi bò” nhận rất nhiều tranh luận trái chiều và không ít người kêu gọi tẩy chay phim trên mạng xã hội.  

Hình ảnh “đường lưỡi bò” mà cư dân mạng phát hiện, xuất hiện tại phút 19-20 trong tập 1, phút 18-20 và 28-29 tập 2. Trên kênh YouTube YOUKU Vietnam, bộ phim vẫn đang được phát sóng với bản phim có phụ đề tiếng Việt. Trước đó, phim cũng được ứng dụng VieON thông báo phát sóng độc quyền từ ngày 11-8.

Tuy nhiên, hiện tại khi tìm kiếm bộ phim trên ứng dụng này chỉ còn hiển thị thông báo: “Trang bạn vừa truy cập có thể đã thay đổi hoặc không còn tồn tại”. Phía VieON cũng chưa đưa ra lời giải thích cho sự việc này. Cư dân mạng còn phát hiện, trước khi phát sóng trên nền tảng này, toàn bộ phông nền có bản đồ in “đường lưỡi bò” trong phim đã được làm mờ. Ngay sau khi thông tin này được phát hiện, rất nhiều người đã bày tỏ sự phẫn nộ, yêu cầu cấm chiếu, gỡ bỏ hết các bản phim trên mọi nền tảng.  

Đây không phải lần đầu tiên bộ phim Trung Quốc nói riêng và một vài phim ngoại nhập nói chung có chứa hình ảnh “đường lưỡi bò” bị phát hiện và yêu cầu cấm chiếu. Phim Điệp vụ biển đỏ, Người tuyết bé nhỏ cũng từng bị dừng chiếu sau ít ngày ra rạp. Mới nhất, Thợ săn cổ vật đã bị Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện quyết định cấm chiếu.   

Đối với trường hợp của phim Băng vũ hỏa, nếu thực tế đơn vị mua bản quyền phát sóng độc quyền tại Việt Nam cố tình làm mờ hình ảnh “đường lưỡi bò” và vẫn cho phát sóng, thay vì phải dừng chiếu ngay từ đầu, cơ quan chức năng cần vào cuộc để xác minh và làm rõ trách nhiệm của đơn vị này. Nếu xem đây là hành động “lách luật”, thì đồng nghĩa trường hợp của Băng vũ hỏa đã vi phạm điều 11 - “Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh” (Luật Điện ảnh sửa đổi 2009) hay điều 9 - “Những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh” trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua ngày 15-6-2022.  

Ngay trước khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) được thông qua, đã có rất nhiều quan ngại, tranh cãi trái chiều về việc tiền kiểm hay hậu kiểm đối với phim phát hành trên không gian mạng. Với số lượng phim quá lớn, việc tiền kiểm như phim chiếu rạp là điều bất khả thi.

Quyết định tiền kiểm kết hợp hậu kiểm phim chiếu mạng đồng nghĩa đã trao quyền chủ động cho các chủ thể phổ biến phim. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra yêu cầu các đơn vị này phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của chính mình, đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim. Việc để “lọt lưới” sai phạm dù là vô tình hay cố ý đều phải được xử lý nghiêm minh.

Tin cùng chuyên mục