Không để hàng kém chất lượng vào siêu thị

Các doanh nghiệp đang dần chuẩn hóa và kiểm soát chặt tiêu chuẩn nguồn hàng phân phối vào hệ thống bán lẻ. Đây là một trong những động thái bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và uy tín đơn vị kinh doanh.
Mua sắm hàng hóa chất lượng ở siêu thị
Mua sắm hàng hóa chất lượng ở siêu thị

Câu chuyện chất lượng hàng hóa luôn được người tiêu dùng quan tâm và tìm hiểu. Trong môi trường kinh doanh cạnh tranh như hiện nay, việc đưa ra các chuẩn cho hàng hóa khi phân phối vào hệ thống là điều có ý nghĩa quan trọng để xây dựng uy tín, tăng sức cạnh tranh. Nhằm đảm bảo các sản phẩm bày bán trong siêu thị, cửa hàng đạt chất lượng, an toàn, ngày 3-12, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM  (Saigon Co.op) đã phổ biến chương trình kiểm soát chất lượng hàng hóa đầu vào ở hệ thống bán lẻ Saigon Co.op cho các đơn vị cung cấp hàng hóa vào siêu thị. Chương trình do Saigon Co.op chủ trì với sự hỗ trợ của BSI Việt Nam - công ty chuyên về đánh giá, cấp chứng nhận và đào tạo về các tiêu chuẩn quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (xuất xứ từ Anh quốc, đã hoạt động tại Việt Nam hơn 10 năm).

Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, đây là chương trình thuộc chuỗi hoạt động liên tục nâng cao kiểm soát chất lượng hàng hóa đầu vào của hệ thống bán lẻ Saigon Co.op, theo hướng tiệm cận các tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế nhằm phục vụ người tiêu dùng trong nước. Saigon Co.op mong muốn gắn kết chặt chẽ với các nhà sản xuất, đơn vị cung cấp để cùng thực hiện tốt việc ngày càng nâng cao chất lượng hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm tươi sống. Không những phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, những hàng hóa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế của các nhà cung cấp Việt Nam sẽ được Saigon Co.op thiết lập lộ trình từng bước xâm nhập thị trường bán lẻ khu vực.

Việc triển khai chương trình vào thời điểm này sẽ giúp Saigon Co.op kiểm soát tốt hơn nữa chất lượng hàng hóa đầu vào để phục vụ mùa cao điểm mua sắm tết sắp tới. Các nhóm hàng chủ lực tết sẽ được tăng cường tần suất kiểm tra lên từ 5 - 10 lần để đảm bảo độ an toàn, tươi ngon. Cụ thể, giai đoạn đầu của chương trình này là tổ chức phổ biến tập huấn các yêu cầu tăng cường về kỹ thuật cho 25 nhóm hàng hóa gồm rau củ quả.

Đồng thời, phổ biến danh mục chất lượng gồm hơn 200 tiêu chí tiên quyết bắt buộc và điều kiện khuyến khích giúp đánh giá chuẩn xác nhà cung cấp từ khâu trồng trọt đến sơ chế, bảo quản và vận chuyển. Chương trình cũng phổ biến cụ thể các quy định về phương tiện, nhiệt độ, cách thức chất xếp, bảo quản, thời gian, trọng lượng… khi nhà cung cấp vận chuyển hàng hóa đến các điểm phân phối của siêu thị. 

Theo chuyên gia của BSI, bộ quy chuẩn hàng hóa của Saigon Co.op sẽ giúp nhà bán lẻ Việt Nam chuẩn hóa hơn về công tác chọn lọc hàng hóa, đánh giá xếp loại, đảm bảo ổn định chất lượng hàng hóa đầu vào. Nhờ vào việc đánh giá qua nhiều tiêu chí và xếp loại nhà cung cấp, nên hàng hóa đầu vào của Saigon Co.op tiếp tục được nâng cao hơn so với mặt bằng chung. Đồng thời, các nhà cung cấp khi đưa được hàng hóa vào siêu thị của Saigon Co.op cũng tăng uy tín thương hiệu và tự tin hướng đến xuất khẩu.

Theo khảo sát chung, hiện Saigon Co.op là đơn vị bán lẻ hàng tiêu dùng đầu tiên của Việt Nam kết hợp với BSI thực hiện bộ tiêu chí kiểm soát chất lượng hàng hóa một cách chặt chẽ. Bộ tiêu chí này được xây dựng dựa trên sự tích lũy kinh nghiệm của thị trường châu Âu. Tháng 8-2018, chuỗi Co.opmart, Co.opXtra, trung tâm phân phối của Saigon Co.op cũng là chuỗi đầu tiên đạt chứng nhận Chuỗi thực phẩm an toàn của Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM. Đây cũng là đơn vị duy nhất thường xuyên tổ chức cập nhật các văn bản pháp luật và văn bản chuyên ngành liên quan cho các nhà sản xuất trong nước. Điều này cho thấy, sự nghiêm túc của hệ thống bán lẻ nội địa trong công tác đảm bảo chất lượng hàng hóa phục vụ người tiêu dùng và gắn kết nhà sản xuất trong nước. 

Thông tin của SaigonCo.op cho biết, ngoài các điểm hiện hữu, từ cuối tháng 11-2018 đến nay, Saigon Co.op đã đưa vào hoạt động thêm 3 siêu thị là Co.opmart Phan Rí Cửa (khu phố Minh Tân, thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), Co.opmart Cần Giuộc (ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), Co.opmart Buôn Hồ (phường An Bình, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk), nâng tổng số siêu thị trên toàn quốc của doanh nghiệp này lên con số 105. Các siêu thị Co.opmart mới này được thiết kế hiện đại với tổng vốn đầu tư thiết bị và hàng hóa khoảng 265 tỷ đồng, kinh doanh hơn 30.000 mặt hàng thiết yếu của 5 ngành hàng, gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ chế biến, hóa phẩm, đồ dùng gia đình, thời trang với cơ cấu hàng Việt hơn 90% và các dịch vụ tiện ích.

Các siêu thị Co.opmart là những điểm mua sắm đáng tin cậy với hàng hóa phong phú, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng và giá cả phải chăng. Đặc biệt, đưa vào hoạt động ở thời điểm này là để kịp thời phục vụ nhu cầu mua sắm trong dịp cuối năm của người tiêu dùng các tỉnh Bình Thuận, Long An và Đắk Lắk cũng như các khu vực lân cận.

Tin cùng chuyên mục