Không để cán bộ kê khai tài sản thiếu trung thực lọt vào bộ máy

Việc kiểm soát, kê khai tài sản của cán bộ cấp ủy, nhất là cấp Trung ương luôn là điều thu hút dư luận.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mới đây trong bài viết về công tác nhân sự Đại hội Đảng cũng nhấn mạnh “kiên quyết không cho vào Ban Chấp hành những người kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc…”. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ.

TS Đinh Văn Minh


- PHÓNG VIÊN: Ông suy nghĩ thế nào về câu nói trên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng?

TS ĐINH VĂN MINH: Công tác cán bộ rất quan trọng. Bác Hồ đã nói “Muôn việc thành, bại đều do công tác cán bộ”. Làm sao lựa chọn được người cán bộ vừa có tài, vừa có đức để phục vụ cho sự nghiệp của Đảng, của đất nước và nhân dân là nhiệm vụ rất khó. Từ Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay, có đến gần 100 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý vi phạm đến mức kỷ luật, kể cả xử lý hình sự. Như vậy, có nghĩa sự cố gắng của chúng ta chưa đạt yêu cầu, hay nói cách khác vẫn còn để lọt vào cơ quan cao cấp của Đảng, Nhà nước những cán bộ không tốt, người dân còn băn khoăn về phẩm chất, đạo đức của người cán bộ.

Chúng ta đang tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó công tác nhân sự bao giờ cũng được quan tâm hàng đầu bởi đó là sự kế tiếp của đội ngũ lãnh đạo mới để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới. Nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về chuyện tài sản của cán bộ là nói về vấn đề rất cụ thể, bởi tài sản, thu nhập của cán bộ nói lên nhiều điều. Tài sản, thu nhập có thể nói lên việc cán bộ sống với khoản thu nhập có minh bạch, có nguồn gốc rõ ràng không, bởi chức vụ càng cao thì quyền lực càng lớn, cơ hội tham nhũng càng nhiều và khi đó khối tài sản càng lớn, cuộc sống càng vương giả. Khi cán bộ đảng viên có nhiều tài sản thì đặt ra câu hỏi có chuyện người đó lợi dụng quyền lực để thu vén hoặc để vợ, con, người thân của mình lợi dụng ảnh hưởng của quyền lực đó để kiếm tiền, làm giàu hay không.

Tất nhiên, chúng ta không “vơ đũa cả nắm” nhưng với một cán bộ tự nhiên có nhiều nhà, nhiều đất trong thời gian ngắn thì phải được xem xét nghiêm túc.

- Các cơ chế về kê khai, kiểm soát tài sản cán bộ các cấp hiện hành ra sao, thưa ông?

Đến nay, trong các quy định của Đảng về kiểm soát và kê khai tài sản, chúng ta đã có Quyết định số 85 quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; có Chỉ thị số 33 của Ban Chấp hành Trung ương về sự tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản.

Từ nay tới Đại hội Đảng toàn quốc sẽ tiến hành đại hội cấp cơ sở. Việc phê bình và tự phê bình trong nội bộ rất quan trọng. Cán bộ đảng viên thường sinh hoạt chi bộ ở cơ quan. Đây là nơi để bảo đảm, phát huy, có thể phát hiện ra những điều không bình thường trong vấn đề tài sản. Theo quy định của luật, bảng kê khai tài sản được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đó cũng là điều kiện để thực hiện việc kiểm soát nội bộ. Mọi người sẽ nhận thấy những điều gì là bình thường và không bình thường. Ví dụ một cán bộ đi xe ô tô sang bao năm trời nhưng kê khai lại bảo của ai đó là điều không bình thường. Ở đây việc phát huy tiếng nói của người dân, của công luận rất quan trọng.

- Liệu cần phải có cơ chế ràng buộc đối với người giới thiệu hoặc người đứng đầu khi phát hiện ra việc cán bộ không trung thực trong kê khai tài sản không, thưa ông?

Giới thiệu cho Đảng lựa chọn đội ngũ cán bộ lãnh đạo là việc hệ trọng cho nên đòi hỏi tính trách nhiệm rất cao. Tất nhiên, tài sản là vấn đề cá nhân và người kê khai phải chịu trách nhiệm chính về tính trung thực của mình nhưng khi đã giới thiệu ai đó với Đảng thì người giới thiệu phải bảo đảm mình đã giới thiệu một người có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm... và trước hết đó phải là người trung thực. Như vậy, nếu để xảy ra việc cán bộ đó không trung thực trong việc kê khai tài sản thì người giới thiệu phải chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân. Còn người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị là người có trách nhiệm tổ chức việc kê khai, nếu để cán bộ của mình kê khai không trung thực thì cũng chịu một phần trách nhiệm.

- Vậy làm thế nào để có được những cán bộ vừa tài vừa đức để không xảy ra chuyện cán bộ cao cấp bị xử lý như trong các vụ AVG, Trịnh Xuân Thanh… vừa qua?

Để có cán bộ tốt, xét cho cùng vẫn là hai câu chuyện: giáo dục và kiểm soát. Với đảng viên, công tác giáo dục là việc hệ trọng, phải làm thường xuyên và thiết thực, tránh hình thức, phong trào, thích hợp với từng đối tượng cán bộ; không chỉ giáo dục một cách khô khan, mang tính lý thuyết. Điển hình là cuộc vận động học tập, làm theo tấm gương của Bác, chúng ta đã và đang làm khá tốt.

“Lấy pháp trị gần, lấy đức trị xa”, có thể trước mắt chúng ta phải dùng đến pháp luật, điều lệ để giữ nghiêm kỷ luật nhưng về lâu về dài khi đạo đức, văn hóa lên ngôi, trở thành lẽ sống thì chúng ta sẽ có nhiều cán bộ tốt. “Pháp luật là đạo đức tối thiểu, đạo đức là tối đa của pháp luật”. Không chỉ chấp hành đầy đủ pháp luật và các quy định của đảng mà mỗi cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo phải là một tấm gương về đạo đức cách mạng.

Vấn đề thứ hai là kiểm soát. Công việc này thời gian qua chúng ta đã làm rất tốt, nhiều cán bộ đảng viên vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh. Niềm tin của người dân vào Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố và mong đợi vào Đại hội Đảng sắp tới sẽ thực sự là ngày hội của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; là nơi lựa chọn ra những người lãnh đạo tài đức vẹn toàn để lãnh đạo đất nước thành công trên con đường đổi mới vì hạnh phúc của nhân dân.

Tin cùng chuyên mục