Không có “vaccine” chống biến đổi khí hậu

Ngày 29-5, hàng trăm nhân viên y tế mặc áo blouse trắng, đeo khẩu trang đã diễu hành ở thủ đô Geneva, nơi có trụ sở Tổ chức Y tế thế giới (WHO), yêu cầu các quốc gia trên thế giới hãy ý thức và hành động toàn cầu để chống lại các nguy cơ sức khỏe có liên quan đến biến đổi khí hậu.

Mỗi quốc gia làm tốt việc của mình

Đoàn diễu hành đi qua đoạn đường dài 2km tiến đến trụ sở WHO và trao bản kiến nghị có hơn 1.100 chữ ký của các chuyên gia y tế từ khắp nơi trên thế giới cho người đứng đầu WHO - Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus. Bản kiến nghị nhấn mạnh đến sức ì, việc không hành động và khoảng cách khá lớn giữa lời nói và hành động.

Bản kiến nghị yêu cầu giới y khoa ở mọi quốc gia, những người đang tham gia trong các cuộc họp hàng năm của các quốc gia thành viên WHO, công khai tuyên bố rằng biến đổi khí hậu đang khiến con người có nguy cơ tử vong và hãy hành động ngay để bảo toàn sự sống. 

Bản kiến nghị cho biết: Dù thu thập bao nhiêu bằng chứng, cảnh báo lặp đi lặp lại, bất chấp thiên tai xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn, bao gồm cả đại dịch Covid-19 nhưng những hành động cụ thể mà các chính phủ thực hiện là chưa đủ.

Nhân viên y tế trên thế giới đang phải đối mặt hàng ngày với hậu quả của sự suy thoái môi trường đối với bệnh nhân và cộng đồng. Danh sách bệnh tật mà họ mắc phải mỗi ngày một dài thêm.

Không có “vaccine” chống biến đổi khí hậu ảnh 1 Đại diện nhân viên y tế toàn cầu gửi bản kiến nghị lên Tổng Giám đốc WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus (trái)

Sự kiện này diễn ra chỉ vài ngày sau hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Brussels mà ở đó, lãnh đạo các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã thể hiện sự khác biệt sâu sắc đối với kế hoạch hành động liên quan đến vấn đề khí hậu trong tương lai nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon trên lục địa vào năm 2050.

Theo giới phân tích, đây là trò chơi có tổng bằng không, vì các nước phải chia sẻ nỗ lực nhất định. Nếu một nước giảm nỗ lực của mình trong việc giảm lượng khí thải thì nước khác phải tăng nỗ lực lên. Giải pháp hữu dụng nhất là mỗi quốc gia thành viên phải làm tốt phần việc của mình.

Mối đe dọa bao trùm

Hãng tin Channel News Asia ngày 30-5 cho biết, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cam kết sẽ chuyển bản kiến nghị đến các quốc gia thành viên. Đồng thời, ông cảnh báo “đại dịch sẽ kết thúc nhưng không có “vaccine” phòng chống biến đổi khí hậu”. 

Tiến sĩ Richard Horton, Tổng Biên tập Tạp chí Y khoa Lancet và là một trong những người ký tên vào bản kiến nghị trên, nhận định: “Cuộc khủng hoảng khí hậu không chỉ đơn thuần là mối đe dọa đối với sức khỏe mà còn là mối đe dọa đối với cuộc sống của mỗi người”.

Những mối đe dọa sức khỏe con người đang tăng lên theo cấp số nhân và ngày càng trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu. Nếu không có những hành động khẩn cấp và tức thì để thay đổi lối sống, thái độ sống thì những tác động lên khí hậu toàn cầu sẽ bất ngờ và không thể đảo ngược. 

Trong ngày 29-5, Hàn Quốc đã thành lập một ủy ban trực thuộc tổng thống giữ vai trò như đơn vị chỉ huy chiến dịch trung hòa carbon của nước này.

Phát biểu trong buổi lễ ra mắt ủy ban đặc biệt trên tại trung tâm thủ đô Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in một lần nữa khẳng định, Hàn Quốc sẽ “chủ động” ứng phó với khủng hoảng khí hậu như một hình mẫu để tận dụng cơ hội phát triển bền vững từ cuộc khủng hoảng này.

Sẽ không quốc gia nào - dù giàu hay nghèo - miễn nhiễm với những tác hại liên quan đến sức khỏe của biến đổi khí hậu. Tất cả chúng ta phải xem xét các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe một cách nghiêm túc hơn để giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu, củng cố các hệ sinh thái tự nhiên vốn là nền tảng cho nền văn minh của chúng ta.

Tin cùng chuyên mục