Không cơ quan báo chí nào bị xóa tên sau sắp xếp

Giai đoạn 1 (từ khi đề án được phê duyệt đến hết năm 2020), TPHCM sẽ còn 19 cơ quan báo chí, gồm: 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình, 7 báo và 10 tạp chí. Trong đó, 8 cơ quan báo chí sẽ chuyển thành 6 ấn phẩm phụ và 2 bản tin. Như vậy không có cơ quan báo chí nào bị xóa tên hay đóng cửa.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Lê Văn Minh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TPHCM đến năm 2025
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Lê Văn Minh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TPHCM đến năm 2025

Ngày 29-5, Sở TT-TT TPHCM tổ chức hội nghị triển khai đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TPHCM đến năm 2025. 

Đồng chí Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, Giám đốc Trung tâm Báo chí TPHCM, thông tin, TPHCM hiện có 28 cơ quan báo chí đang hoạt động. Số lượng cơ quan báo chí cần sắp xếp đến năm 2025 là 27/28 (Báo Công an TP được sắp xếp theo đề án của Bộ Công an). Giai đoạn 1 (từ khi đề án được phê duyệt đến hết năm 2020), TPHCM sẽ còn 19 cơ quan báo chí, gồm: 1 đài phát thanh, 1 đài truyền hình, 7 báo và 10 tạp chí. Trong đó, 8 cơ quan báo chí sẽ chuyển thành 6 ấn phẩm phụ và 2 bản tin. Như vậy không có cơ quan báo chí nào bị xóa tên hay đóng cửa.

Đồng chí Từ Lương đề nghị các đơn vị phối hợp với các sở ngành, Ban Tuyên giáo Thành ủy khẩn trương thực hiện, không để cơ quan báo chí nào bị gián đoạn hoạt động vì lý do sắp xếp, thu hồi giấy phép, cấp lại giấy phép...

Giai đoạn 2 (2021-2025) là giai đoạn các cơ quan báo chí ổn định hoạt động và thực hiện giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Đáng chú ý là TP sẽ tập trung đầu tư ngân sách nghiên cứu thí điểm xây dựng cơ quan báo chí TPHCM chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt. Việc này nhằm đảm bảo yêu cầu thực hiện tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, có vai trò định hướng thông tin tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội TP.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện nhiều cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí bày tỏ sự đồng tình cao với đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TPHCM đến năm 2025. Một số ý kiến cho rằng vấn đề thời gian thực hiện sáp nhập, chuyển đổi là thách thức lớn đối với các cơ quan báo chí có sự thay đổi.

Đồng chí Lê Văn Minh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy, thông tin thêm, trước khi xây dựng đề án sắp xếp này, các lãnh đạo và cơ quan chức năng TP đã gặp gỡ các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí nhiều lần để trao đổi, lắng nghe. Theo đồng chí, đề án giúp quản lý báo chí tốt hơn, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí phát triển đúng định hướng, trở thành người bạn đáng tin cậy của bạn đọc TPHCM và cả nước. Theo kế hoạch, đến ngày 30-6 các đơn vị phải hoàn tất phương án sắp xếp. Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở TT-TT sẽ tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, nhất là các ý kiến đề nghị lùi thời hạn sắp xếp và sẽ báo cáo lại với các cấp có thẩm quyền để có hướng điều chỉnh phù hợp. Tuy vậy, các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cũng cần chủ động sớm triển khai thực hiện, sớm ổn định và hoạt động hiệu quả.

Theo đồng chí Lê Văn Minh, việc triển khai đề án sẽ ít nhiều có xáo trộn, tâm tư trong quá trình thực hiện. Do vậy, lãnh đạo các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản cần làm tốt công tác tư tưởng, quán triệt tinh thần chấp hành chủ trương của Đảng và Nhà nước, đề án sắp xếp của thành phố.

Tin cùng chuyên mục