Không có ca mắc mới, tăng cường năng lực và hiệu quả chiến lược xét nghiệm

Chiều tối 3-9, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong ngày cả nước không ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19. Tuy nhiên để thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế” cần tập trung tăng cường chiến lược và năng lực xét nghiệm.

Theo đó, hiện nay, số người mắc Covid-19 tại Việt Nam vẫn là 1.046 trường hợp, trong đó có tổng cộng 691 ca mắc do lây nhiễm trong nước. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25-7 đến nay là 551 ca. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 63.651 người, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 1.009 người.

Về tình hình điều trị, trong ngày, cả nước có thêm 9 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Hoà Vang, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Đến nay, cả nước đã có 755 bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh, cùng với 99 bệnh nhân đã âm tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, trong ngày cũng ghi nhận thêm 1 bệnh nhân Covid-19 tử vong là bệnh nhân 761 (nữ, 83 tuổi, ở Đà Nẵng), nâng số tử vong lên 35 trường hợp.

Không có ca mắc mới, tăng cường năng lực và hiệu quả chiến lược xét nghiệm ảnh 1 Các bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh tại Trung tâm Y tế Hòa Vang ngày 3-9

Cùng ngày, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 đã có cuộc họp triển khai các biện phòng chống dịch Covid-19 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo. Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo nhận định, để triển khai mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, Việt Nam cần triển khai rất nhiều chiến lược, trong đó đầu tiên phải có chiến lược xét nghiệm hiệu quả. Đánh giá về công tác xét nghiệm, Ban Chỉ đạo khẳng định, Việt Nam đã cơ bản có gần đủ các công nghệ và sinh phẩm cho xét nghiệm nhưng cần tập trung tăng cường chiến lược và năng lực xét nghiệm. Trong đó với công nghệ xét nghiệm kháng nguyên cho kết quả nhanh, độ nhạy, độ đặc hiệu cao và có khả năng phát hiện người mới mắc Covid-19, hiện cả nước có 3 đơn vị và các Viện nghiên cứu trong nước phát triển công nghệ này và đang ở bước cuối cùng để có sản phẩm.

Thảo luận về việc mở rộng các loại sinh phẩm và kỹ thuật xét nghiệm mới, lãnh đạo Bộ Y tế và đại diện doanh nghiệp khẳng định, việc sản xuất được test nhanh có độ chính xác cao rất cần thiết vì thời gian tới sẽ có thêm nhiều người nhập cảnh. Trong khi test nhanh kháng nguyên có thể phát hiện ca bệnh theo hướng “nhầm còn hơn sót” đáp ứng được nhiệm vụ này. Hiện nay, Việt Nam đã có doanh nghiệp được Đức đặt hàng nghiên cứu test nhanh có độ chính xác tương đương phương pháp xét nghiệm RT-PCR. Ngoài ra, một đơn vị khác là Công ty Medicon đã nghiên cứu được test nhanh kháng thể và đang phát triển test nhanh kháng nguyên.

Không có ca mắc mới, tăng cường năng lực và hiệu quả chiến lược xét nghiệm ảnh 2

Đại diện Bộ Y tế cũng cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện xét nghiệm RT-PCR để chẩn đoán chính xác ca bệnh Covid-19, sử dụng xét nghiệm kháng thể bằng máy ELIZA để đánh giá tình hình dịch tễ và miễn dịch cộng đồng tại các khu vực từng có dịch và hiện đã hết dịch. Đặc biệt cần tiếp tục mở rộng nghiên cứu, sản xuất các loại sinh phẩm và kỹ thuật xét nghiệm mới trên thế giới, bao gồm cả xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên của virus SARS-CoV-2. Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ cho cơ quan chức năng và doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất test nhanh kháng nguyên, giống như chúng ta đã thành công trong sản xuất sinh phẩm xét nghiệm RT-PCR.

Không có ca mắc mới, tăng cường năng lực và hiệu quả chiến lược xét nghiệm ảnh 3 Đẩy mạnh xét nghiệm virus SARS-CoV-2

Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Chỉ đạo và các đơn vị chức năng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp trong nước sản xuất test nhanh kháng nguyên, đồng thời xây dựng chiến lược mới về xét nghiệm trình Ban Chỉ đạo Quốc gia. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ rõ, Việt Nam đã sẵn sàng cho kịch bản số 4, chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị và nguồn nhân lực. Vật tư khó nhất là máy thở, nước ta đã chủ động sản xuất được, thuốc cũng đã chuẩn bị đầy đủ, bệnh viện dã chiến cũng đã vận hành thử. Đến nay chỉ thiếu một loại xét nghiệm test nhanh kháng nguyên nên cần có phương án đặt mua trong khi chờ sản xuất trong nước.

Tin cùng chuyên mục