Không chủ quan, bị động trong chống dịch

Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn TPHCM gia tăng với nhiều chùm ca bệnh. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM (ảnh), cho rằng, ngành y tế thành phố xác định công tác phòng chống dịch trong thời gian tới phải luôn chủ động, không chủ quan, bảo đảm an toàn cho thành phố và sức khỏe của người dân. 

Không chủ quan khi tiêm 2 mũi vaccine 

PHÓNG VIÊN: Những ngày gần đây, số ca mắc và tử vong do dịch Covid-19 tại TPHCM ở mức cao nhất cả nước. Đâu là nguyên nhân, thưa ông?

TS-BS NGUYỄN VĂN VĨNH CHÂU: 2 tuần vừa qua, số ca mắc Covid-19 ở TPHCM bắt đầu tăng dần. Cụ thể, trong tuần vừa qua, 5 địa phương có số ca tăng cao nhất là huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận 12, quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức. Sở Y tế TPHCM liên tục theo dõi số ca mắc trên tất cả địa bàn để cử đội đặc nhiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) xuống hỗ trợ cho các quận huyện, kịp thời cách ly, tách F0 khỏi cộng đồng, tránh tình trạng lây lan nhiều.

Sở Y tế TPHCM cũng cập nhật thường xuyên diễn tiến các ca nhập viện, bệnh nặng, tử vong, theo dõi có dấu hiệu bất thường hay không, để tham mưu UBND TP hướng giải quyết trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp trở lại.

Nguyên nhân F0 tăng mạnh thời gian qua là do tốc độ lây nhiễm nhanh chóng của biến chủng Delta, trong điều kiện TPHCM có nhiều người lao động, dân cư đông đúc, điều kiện giãn cách, cách ly không đảm bảo…, từ đó khiến dịch lan rộng trong cộng đồng. Cùng với đó, khi thành phố mở cửa, gỡ bỏ giãn cách xã hội, việc giao lưu, tiếp xúc nhiều hơn khiến nguy cơ F0 tăng cao hơn; người dân từ các tỉnh, thành phố đến TPHCM làm việc, trong đó nhiều người chưa được tiêm vaccine cũng là nguyên nhân khiến F0 ở TPHCM tăng cao. 

* Thực tế có nhiều trường hợp được tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 nhưng vẫn mắc, thậm chí có một số trường hợp tử vong, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

* Vaccine Covid-19 có hiệu quả trong việc làm giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm khả năng lây lan, nếu nhiễm bệnh thì thường mức độ không nghiêm trọng và hầu như tỷ lệ tử vong rất thấp so với nhóm người không tiêm vaccine. Đối với nhiều bệnh lý nhiễm trùng, khi tiêm đủ 2 liều vaccine, cơ thể sẽ có đề kháng, giúp miễn nhiễm hoàn toàn.

Tuy nhiên, đối với biến chủng Delta, vaccine không có hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm 100%, nhiều người đã được tiêm chủng đầy đủ vẫn có thể mắc Covid-19 (hiện tượng nhiễm “đột phá”). Và vẫn có 1 tỷ lệ nhỏ bị bệnh nặng và tử vong (tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều lần so với nhóm không tiêm vaccine). 

Như vậy, không phải cứ tiêm vaccine Covid-19 là chủ quan, cho rằng cơ thể đã miễn nhiễm với Covid-19, hay không bệnh nặng. Nhóm đã tiêm vaccine có diễn biến nặng, tử vong thường gặp ở người có cơ địa suy yếu, miễn dịch kém, người có bệnh mạn tính, nhóm người cao tuổi. Vì vậy, người dân không được chủ quan dù đã tiêm đủ liều vaccine. Với dịch Covid-19, biện pháp ngăn ngừa tốt nhất vẫn là giãn cách, khẩu trang, thường xuyên rửa tay, tránh chạm vào bề mặt sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

"Trong tình huống dịch phức tạp trở lại, thành phố sẵn sàng phương án thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ở mức cao nhất - kịch bản tương đương với cấp độ 4. Khi cần thiết, thành phố có khoảng 16.000-19.000 giường điều trị Covid-19, 6.500 giường oxy, 2.000 giường hồi sức ICU "
TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM

Sẵn sàng phương án ứng phó 

* TPHCM đã và sẽ có những biện pháp ứng phó nào trước dịch bệnh?

* Hiện TPHCM đã xây dựng 4 kịch bản tương ứng với 4 cấp độ dịch khác nhau, trong đó phối hợp 2 mũi điều trị (chăm sóc điều trị F0 tại nhà và tại các bệnh viện), sẵn sàng ứng phó khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn thay đổi.

Mỗi tuần, các xã phường thuộc 20 quận, huyện và TP Thủ Đức sẽ đánh giá cấp độ dịch từng địa phương, dựa trên các tiêu chí của văn bản hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Tùy tình hình dịch bệnh sẽ linh hoạt sử dụng các bệnh viện dã chiến 3 tầng, kích hoạt thêm các bệnh viện điều trị Covid-19 ở tầng 2, thành lập các bệnh viện dã chiến quận huyện, các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị F0 không triệu chứng nhẹ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, tăng cường công tác quản lý chăm sóc F0 tại nhà (khi đủ điều kiện). 

Để đáp ứng tình hình thực tế, TPHCM đã có quy định, F0 triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng sẽ được các trạm y tế lưu động tại địa phương quản lý. Mỗi trạm y tế lưu động phụ trách từ 50-100 F0, tương ứng với 155 trạm trên toàn thành phố. Các bệnh viện dã chiến số 13, số 14, số 16 tiếp nhận F0 có triệu chứng cần nhập viện điều trị. Đồng thời, thành phố  huy động thêm 3 trung tâm hồi sức Covid-19 sẵn sàng tiếp nhận các ca nặng và nguy kịch.

Ngoài ra, các bệnh viện chuyên khoa nhi và chuyên khoa sản cũng tham gia điều trị Covid-19. Trong tình huống dịch phức tạp trở lại, thành phố sẵn sàng phương án thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ở mức cao nhất - kịch bản tương đương với cấp độ 4. Khi cần thiết, thành phố có khoảng 16.000-19.000 giường điều trị Covid-19, 6.500 giường oxy, 2.000 giường hồi sức ICU. Đó là tình trạng thành phố vận hành tối đa để điều trị bệnh nhân Covid-19.

Cùng đó, ngành y tế TPHCM đã ra mắt đội đặc nhiệm kiểm dịch cùng tổ chuyên trách điều phối trạm y tế lưu động; phát hành tờ rơi “Những điều cần biết cho F0 cách ly tại nhà” gửi đến các quận, huyện; thống nhất với Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ TP kích hoạt lại mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”; đề xuất UBND TPHCM có cơ chế chính sách củng cố, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở…

Tin cùng chuyên mục