Không cần giải cứu

- Một hình thức bán lẻ mới thấy ở TPHCM là cửa hàng thuộc dự án nông sản chia sẻ. Thật ra, kiểu kinh doanh này đã “chào đời” từ khi thực hiện giãn cách nghiêm ngặt để phòng dịch. Những người điều hành dự án đã mua hàng trực tiếp từ nông dân, rồi bán với giá mềm hơn so với thị trường. Và đến giờ, điểm bán chính danh cũng xuất hiện.

- Có thể gọi loại hình này là kinh doanh hỗ trợ hai đầu không?

- Tên gọi là gì thì cũng xoay quanh cái lõi chia sẻ lợi ích cả với người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Khi càng ít khâu trung gian, nhà nông sẽ bán nông sản được với giá tốt nhất. Còn ở đầu kia, người tiêu dùng sẽ mua được rau củ có chất lượng đảm bảo mà giá lại rẻ.

- Nhiều năm qua, cứ lâu lâu lại rộ lên chuyện giải cứu nông sản. Sản xuất không sát với nhu cầu thị trường, hoặc bị ứ do trục trặc khi xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, thế là dội chợ. Người tiêu dùng ở đô thị cũng muốn mua giúp nhà nông, nhưng dần dà họ không còn hào hứng. Giải quyết cung - cầu thì bắt buộc phải dùng công cụ thị trường. Mua bán bằng sự mủi lòng thì rốt cuộc càng làm rối thị trường, mà đầu ra cho nông sản luôn bấp bênh.

- Để duy trì mô hình nông sản chia sẻ, cần thực hiện hợp đồng bao tiêu. Làm ăn căn cơ, nông sản mới tiêu thụ ổn định mà không cần giải cứu.

Tin cùng chuyên mục