Không biết nên không quản

Mỗi năm, Sở VH-TT TPHCM tiếp nhận hơn 2.500 hồ sơ xin cấp phép nội dung quảng cáo trên các trụ bảng quảng cáo ngoài trời, đặt tại các tuyến đường, giao lộ lớn và trong các công viên, khu vui chơi giải trí. 

Trước khi cấp phép, Sở VH-TT khảo sát, xác định vị trí được lắp dựng trụ bảng quảng cáo. Với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình trụ bảng quảng cáo, nếu đặt ở vị trí nằm trong lộ giới hành lang đường bộ phải xin phép và ký hợp đồng thuê vị trí với Sở GTVT TPHCM. Trước khi cấp phép và ký hợp đồng cho thuê vị trí, sở này cũng phải khảo sát, xác nhận, đánh giá mức độ ảnh hưởng của công trình đối với hệ thống giao thông. 

Đến nay sau 10 năm, Đề án quy hoạch quảng cáo trên địa bàn TPHCM chưa được phê duyệt nên dù là đơn vị quản lý quy hoạch chung, Sở QH-KT TPHCM vẫn không thể xác định được vị trí xây dựng trụ bảng quảng cáo. Sở này chỉ làm nhiệm vụ lập danh sách các vị trí dựng trụ bảng quảng cáo trình UBND TPHCM ra quyết định cấp phép tạm thời. Hiện sở này cũng chỉ biết được 145 trụ bảng quảng cáo ngoài trời đã được UBND TPHCM cấp phép. Còn những đơn vị nào được cấp phép thì các sở QH-KT, GTVT, VH-TT, Xây dựng đều… không biết. Chỉ biết, để lắp dựng được một trụ bảng quảng cáo, đơn vị đầu tư phải theo quy trình xin cấp phép của 4 sở trên với thời gian nhanh nhất là 6 tháng.

Một trụ quảng cáo không phép tại khu vực nút giao An Phú, TP Thủ Đức. Ảnh: HOÀI NAM
Sự nhiêu khê, bất cập trong quản lý quy hoạch và cấp phép hoạt động quảng cáo ngoài trời dẫn đến thực tế là các doanh nghiệp mạnh ai nấy làm, “chạy” được đến đâu thì chạy, còn không cứ thấy vị trí nào thuộc quyền quản lý của doanh nghiệp, đơn vị hay hộ dân mà thỏa thuận, được giá thuê… là làm. Trong đó phải kể đến khu vực các tuyến đường cao tốc thuộc quyền quản lý của các đơn vị đầu tư, hiện có hàng trăm trụ bảng quảng cáo mà từ chính quyền địa phương đến các sở ngành liên quan đều không thể quản lý được. 

Hay nội dung quảng cáo, có rất nhiều bảng quảng cáo được Sở VH-TT và các quận huyện cấp phép tuyên truyền cổ động chính trị có thời hạn từ 5-7 năm trước nhưng đã được chuyển qua quảng cáo thương mại từ lâu vẫn không ai biết gì. Một bất cập khác là, Sở VH-TT chỉ quản lý, cấp phép nội dung quảng cáo ở những khu vực, trụ bảng quảng cáo có pháp lý rõ ràng, còn lại thì không thể quản lý nổi.

Quảng cáo thương mại trên xe buýt, trạm dừng, nhà chờ, bến xe cũng có nhiều bất cập trong quản lý và kém hiệu quả trong khai thác. Cụ thể, số liệu mà Sở GTVT đang quản lý là 4.477 điểm, vị trí nhà chờ nhưng chỉ có 10 nhà chờ xe buýt còn quảng cáo. Riêng quảng cáo trên xe buýt đến giờ chỉ còn số ít xe buýt trợ giá có quảng cáo. Phần lớn xe buýt các tuyến không trợ giá vẫn có quảng cáo nhưng chủ yếu do chủ xe, chủ doanh nghiệp tự khai thác, tự thỏa thuận giá thuê, nội dung quảng cáo với đơn vị thuê quảng cáo chứ không do đơn vị nào cấp phép, quản lý và thu phí. Sở GTVT ước khoản thu từ hoạt động quảng cáo này mỗi năm hàng chục tỷ đồng…

Theo các đơn vị quản lý lĩnh vực hoạt động quảng cáo ngoài trời, nếu tính chung cho mức thu của các hoạt động quảng cáo ngoài trời tại TPHCM những năm qua, con số lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Theo lãnh đạo các sở ngành liên quan, để quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trước tiên phải có quy hoạch tổng thể để các địa phương có quy hoạch thống nhất. Quan trọng nữa là phải có một “nhạc trưởng” trong quản lý từ quy hoạch, cấp phép đến kiểm soát, xử lý sai phạm theo các quy định của Luật Quảng cáo hiện hành.

Tin cùng chuyên mục