Không áp dụng khái niệm “hậu kiểm” với tổ chức biểu diễn

Dự thảo Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn không quy định số lượng cuộc thi người đẹp, người mẫu được tổ chức trong năm, thay vào đó, chỉ cần đáp ứng một số quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan. Các ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần thận trọng để vừa đảm bảo các quyền dân sự, vừa bảo vệ được thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hoá dân tộc.


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, hoạt động biểu diễn vừa qua có nhiều trái ngọt, nhưng cũng nhiều “quả đắng”
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, hoạt động biểu diễn vừa qua có nhiều trái ngọt, nhưng cũng nhiều “quả đắng”

Sáng 14-7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 46, cho ý kiến về Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Trình bày Tờ trình về vấn đề này tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, dự thảo Nghị định có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung so với các Nghị định liên quan; trong đó đã cắt giảm, đơn giản hóa 5/10 thủ tục hành chính hiện hành. Các thủ tục được cắt giảm bao gồm: cấp giấy phép cho người nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam; cấp giấy phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam; cấp giấy phép cho cá nhân, tổ chức Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; cấp giấy phép tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu; cấp giấy phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu. So với quy định hiện hành, dự thảo Nghị định không quy định số lượng cuộc thi người đẹp, người mẫu trong năm, thay vào đó, chỉ cần đáp ứng một số quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.

Qua thẩm tra, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (Ủy ban) tán thành với cần thiết ban hành Nghị định, song lưu ý rằng việc ban hành Nghị định chỉ là giải pháp trong điều kiện chưa thể xây dựng Luật hoặc Pháp lệnh, do vậy, Ban soạn thảo cần lưu ý việc bảo đảm phù hợp với các nội dung về quyền hưởng thụ, tiếp cận văn hóa của mọi người dân đã được Hiến pháp 2013 ghi nhận.

Về hoạt động thi người đẹp, người mẫu, Ủy ban đồng ý với phương thức quản lý đổi mới trong dự thảo Nghị định, nhưng yêu cầu Ban soạn thảo tiếp tục đánh giá tác động, nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về điều kiện, năng lực tổ chức, quản lý; bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về tiêu chuẩn đạo đức của người tham dự, nhằm bảo đảm các cuộc thi đạt được tiêu chí, mục đích hướng đến các giá trị chân, thiện, mỹ, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam.

Tuy thống nhất với tinh thần đổi mới công tác quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức được tự do sáng tạo, hưởng thụ giá trị nghệ thuật trong khuôn khổ pháp luật, song các ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lưu ý đến tính nhạy cảm của hoạt động biểu diễn. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói: “Hoạt động biểu diễn vừa qua có nhiều trái ngọt, nhưng cũng nhiều “quả đắng”, đặc biệt là các cuộc thi người đẹp với nhiều cấp độ bị lạm dụng, dễ biến tướng thành kinh doanh, vì mục tiêu không chính đáng. Không nên phân cấp cấp phép hoạt động này”.

Đồng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn đối với trường hợp trẻ em tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn, vì thực tế hiện nay nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, chương trình giải trí có sự tham gia của trẻ em trái với tâm, sinh lý lứa tuổi, “rất phản cảm”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng bày tỏ quan tâm đến hoạt động biểu diễn liên quan đến người nước ngoài, người nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn… và cho rằng với nghệ thuật biểu diễn thì không nên áp dụng khái niệm “hậu kiểm”. “Phải rất thận trọng để vừa đảm bảo các quyền dân sự, vừa bảo vệ được thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hoá dân tộc”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục