Không ai dùng acid flohydric xử lý nước RO chạy thận

Ngày 18-1, phiên tòa xét xử vụ án tai biến chạy thận xảy ra ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình) tiếp tục thẩm vấn các bị cáo và những người có liên quan tới vụ án. 
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm. Ảnh: TTXVN
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm. Ảnh: TTXVN

Để làm rõ hơn về vụ án, cũng như sai phạm của các bị cáo, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã mời một số chuyên gia y tế của Bệnh viện Bạch Mai, Sở Y tế và các giám định viên Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, đến tòa để tham vấn một số vấn đề về chuyên môn. Theo kết luận của cơ quan công an, vụ tai biến chạy thận xảy ra tại BV Hòa Bình ngày 29-5-2017 có nguyên nhân do ngộ độc acid flohydric (HF) tồn dư trong hệ thống nước RO đã làm 18 bệnh nhân sốc phản vệ với các biểu hiện ngứa, buồn nôn, đau bụng tiêu chảy..., trong đó 8 người tử vong.

Trước kết luận trên, GS Nguyễn Gia Bình (BV Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hồi sức chống độc Việt Nam) cho biết, với sự cố này, bệnh nhân có nhiều biểu hiện khác nhau, trong đó sốc phản vệ là biểu hiện nặng nhất. Trong trường hợp này, BV Hòa Bình đã xử lý đúng phác đồ mà Bộ Y tế ban hành và đã làm đúng quy trình. Thông thường khi sốc phản vệ phải sử dụng thuốc theo phác đồ của Bộ Y tế, nếu nhẹ thì bệnh nhân chỉ hơi mẩn ngứa, nặng phải nghĩ ngay đến đường tuần hoàn, thậm chí phải cấp cứu ngay lập tức. Hiện chưa có tài liệu nào hướng dẫn đưa chất HF vào người và ở Việt Nam cũng chưa ai dùng chất này trong hệ thống nước RO lọc thận.

Trong khi đó, trả lời câu hỏi của HĐXX về sự cố tai biến chạy thận như ở BV Hòa Bình có thường xảy ra hay không? PGS.TS Đỗ Vũ Gia Tuyển, Trưởng khoa Thận tiết niệu, BV Bạch Mai, nói: “Ngoài sự cố tại Hòa Bình thì tôi chưa thấy ở đâu cả. Ở nước ngoài có rồi, cũng liên quan đến việc có 3 bệnh nhân tử vong do hóa chất tồn dư trong đường ống dẫn nước do ống lâu ngày bục và rò rỉ hóa chất”.

Đối với trường hợp sục rửa hệ thống nước RO, bản thân ông được đào tạo về chuyên khoa khám chữa bệnh, còn về xử lý nước RO ông không được đào tạo, nhưng với hiểu biết của bản thân thì không được dùng phương pháp giống như BV Hòa Bình đã dùng, là sử dụng hóa chất HF. Tiếp tục đề cập tới việc xử lý hệ thống lọc nước RO cho chạy thận, ông Tuyển cho biết, hiện nay Khoa Thận tiết niệu BV Bạch Mai chỉ vận hành, còn việc bảo hành, bảo trì sẽ do nhân viên của Phòng Vật tư cùng với nhân viên Khoa Thận nhân tạo làm việc đó. Về nguyên tắc, Phòng Vật tư khi đã bàn giao phải đảm bảo chất lượng hệ thống RO và Khoa Thận tiết niệu chỉ vận hành để lọc máu. Trước khi sử dụng có cách kiểm tra rất đơn giản bằng mắt thường và bắt buộc điều dưỡng phải kiểm tra đơn giản trước khi đưa vào vận hành hàng ngày.

Làm rõ hơn về quy trình vận hành hệ thống lọc thận, HĐXX đã đặt câu hỏi đối với TS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai. Theo ông Dũng, ở Khoa Thận nhân tạo, BV Bạch Mai có bố trí kỹ thuật viên và điều dưỡng chuyên phụ trách về hệ thống nước RO do trưởng khoa phân công. Mỗi buổi sáng bật công tắc, kỹ thuật viên đó sẽ phải quan sát hệ thống RO với 2 phân số bắt buộc phải ghi chép thể hiện trên đồng hồ, kiểm tra bình muối, khi tất cả bảo đảm an toàn, mới tiến hành vận hành hệ thống. Với đồng hồ đo độ dẫn điện báo chỉ số độ dẫn điện, khi màng RO có vấn đề, độ dẫn điện rất cao, chứng tỏ không an toàn và việc lọc máu không được an toàn. Độ dẫn điện chỉ cho phép từ 135 đến 145, nếu vượt quá thì không cho chạy.

Tin cùng chuyên mục